MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với điều kiện rừng tự nhiên dày đặc, còn nhiều, từ tháng 5.2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong thời gian từ năm 2021-2025. Ảnh: Thanh Hải

Bảo vệ rừng, mỗi năm Việt Nam có thể bán được hàng nghìn tỉ đồng từ... không khí

Thanh Hải LDO | 08/09/2023 19:02

Giá trị của rừng không chỉ có cây gỗ, động thực vật, dược liệu quý hiếm, là giữ đất, nước, là trầm tích văn hóa, không gian sinh tồn của con người... mà nay còn có thể "bán không khí", lấy tiền tỉ qua tín chỉ carbon.

Phát biểu trên báo laodong.vn sáng 8.9, TS Nguyễn Linh Ngọc - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, nước ta có khoảng 14,7 triệu hécta rừng, độ che phủ 42%. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tương đương với hấp thụ cả trăm triệu tấn CO2 từ khí quyển. Nếu xuất khẩu tín chỉ carbon thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Để giảm phát thải nhà kính, các nền kinh tế trên thế giới đã thiết lập thị trường trao đổi carbon giữa các bên phát thải ra môi trường và bên có rừng. Sáng kiến này có từ năm 2015, tại Hội nghị COP 21 về Biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Nam Phi.

Dù hiện nay, việc triển khai thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn chậm, song tiềm năng rất lớn.

Ở Quảng Nam, chỉ riêng Vườn Quốc gia Sông Thanh, đã có hơn 75.000ha, với hệ sinh thái rừng gần như nguyên vẹn, là đai rừng tự nhiên liền mạch lớn nhất miền Trung. Theo đề án bán thí điểm tín chỉ carbon, năng lực hấp thụ CO2 của rừng Sông Thanh, trung bình mỗi năm, chủ rừng có thể thu hàng chục tỉ đồng. Đây sẽ là nguồn kinh phí rất lớn để chi trả cho gần 300 nhân viên giữ rừng chuyên trách.

Quảng Nam hiện có gần 500.000ha rừng, độ che phủ hơn 60%, trung bình mỗi năm rừng Quảng Nam sẽ tạo được cả 1 triệu tín chỉ. Nếu giao dịch thành công, tỉnh này có thể thu hàng trăm tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với thu từ các dịch vụ môi trường rừng.

Vì thiếu ngân sách cho lực lượng bảo vệ rừng mà hiện khắp nơi cả nước, kiểm lâm bỏ việc vì thu nhập thấp, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên. Thiếu tiền thì lực lượng mỏng. Không đủ người nên công tác bảo vệ rừng không hiệu quả. Các địa phương đã loay hoay mãi vẫn chưa có lời giải cho vấn nạn này.

Tuy vậy, phải xác định ngay rằng, giá trị của rừng là rất lớn, nhiều tiềm năng, có thể khai thác trong tương lai. Mở ra thị trường bán tín chỉ carbon là thêm cơ hội khai thác giá trị từ rừng. Cho nên phải đặt mục tiêu bảo vệ, tái tạo và phát triển rừng là ưu tiên, trên hết.

Lâm tặc lén hạ vài khối gỗ đã lãnh án tù, kiểm lâm để mất rừng bị kỷ luật, mất việc, thậm chí bị truy tố. Nhưng có nhiều nơi "xóa" cả trăm, cả ngàn hecta rừng để làm các dự án hồ thủy lợi, sân golf, trồng trọt chăn nuôi... rồi không phát huy hiệu quả, bỏ hoang phí, thì không có ai chịu trách nhiệm. Hoặc nếu có người phải trả giá bằng án tù do sai phạm, thì rừng cũng đã bị hủy hoại, khó phục hồi được.

Nhu cầu về một thị trường chuyển nhượng tín chỉ carbon chất lượng cao sẽ ngày càng được quan tâm. Rừng Việt Nam sẽ phát huy được tác dụng là bể chứa carbon tự nhiên lớn nhất, đem lại nguồn tài chính bền vững cho người dân và đất nước. Biến đổi khí hậu khó lường, Việt Nam là quốc gia dễ chịu tổn thương, nên bảo vệ rừng, trước mắt còn bảo vệ sự bình yên, phát triển bền vững cho chính mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn