MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở thẩm mỹ "chui" đang thao tác nâng mông cho khách hàng. Ảnh từ clip

Bất chấp để kiếm tiền, bất chấp để... làm đẹp

Hoàng Văn Minh LDO | 03/09/2023 06:08

Vụ nhân viên lao công của một cơ sở làm đẹp ở Đà Nẵng xử lý căng da mặt cho khách xem ra chưa liều lĩnh bằng việc nhiều người bỏ ra từ vài chục đến cả trăm triệu đồng học nghề tại những lò đào tạo "chuyên gia thẩm mỹ" không được cấp phép.

“Chi trăm triệu đồng lén lút học nghề thẩm mỹ ở lò đào tạo để hành nghề chui” là tít của một phóng sự điều tra vừa đăng trên Lao Động.

Theo đó, để hành nghề tiêm filler, botox, meso... "chui", nhiều người sẵn sàng bỏ ra từ vài chục đến cả trăm triệu đồng học nghề tại những lò đào tạo "chuyên gia thẩm mỹ" không được cấp phép.

Cách đây mấy tuần, Lao Động cũng có loạt bài phản ánh việc Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vừa bắt quả tang một nhân viên lao công của cơ sở thẩm mỹ Kangzin xử lý… căng da mặt cho khách.

“Đây là hành động quá liều lĩnh” – nói như ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê. Bởi khi phát hiện vụ việc, người lao công trên không có chứng chỉ hành nghề thì cơ sở đó không chỉ bị thu hồi giấy phép, xử phạt mà các cá nhân liên quan còn có thể ngồi tù nếu khách hàng xảy ra vấn đề về sức khỏe.

Tuy vậy, sự “quá liều lĩnh” này xem ra vẫn chưa thể so được với vụ “Chi trăm triệu lén lút học nghề thẩm mỹ ở lò đào tạo để hành nghề chui” mà Lao Động đang phản ánh.

Đáng nói là ở vụ này không chỉ có sự liều lĩnh mà cả ngang nhiên và thách thức khi các khoá đào tạo "chui" được rao công khai trên mạng xã hội với những mỹ từ như “học viện” của “top 5 người giỏi nhất Việt Nam…”.

Còn nhân viên của các lớp đào tạo "chui" thì luôn miệng trấn an khách hàng kiểu: Yên tâm không lo đang học thì bị bắt vì “nhà em có mối quan hệ nên chả bao giờ lo..”.

Theo nhiều người trong nghề thì có một chi tiết trong phóng sự điều tra trên Lao Động mà nhân viên đào tạo "chui" nói không quá sự thật là thu nhập của nghề tiêm filler "chui", từ việc nhập hàng giá thấp, bán ra với giá cao gấp nhiều lần thì thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng mỗi tháng là chuyện bình thường.

Đây là lý do dẫn đến việc nhiều người chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để học "chui", hành nghề "chui". Và cũng là một trong những lý do tồn tại của rất nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động không đủ điều kiện, sai phạm trên cả nước, đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong vấn đề giám sát, xử lý.

Điều đáng nói là chủ và nhân viên các cơ sở thẩm mỹ bất chấp kiếm lợi mà đi học "chui" rồi hoạt động "chui" thì ở phía ngược lại, khách hàng cũng “bất chấp” mọi giá, mọi hậu quả để làm đẹp cho bằng được. Dù thời gian qua, đã có không biết bao nhiêu bài học nhãn tiền về biến chứng thẩm mỹ, thậm chí gây chết người đến từ những hoạt động làm đẹp "chui" như thế này.

Bất chấp để kiếm tiền và "bất chấp" để làm đẹp là một sự cộng sinh. Và chỉ khi một trong hai sự "bất chấp" này dừng lại, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, thì những vụ sai phạm, biến chứng thẩm mỹ gây hậu quả khôn lường đến sức khoẻ, tính mạng người dân đến từ các cơ sở thẩm mỹ "chui" mới có cơ hội được giảm đi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn