MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với những tổ trưởng dân phố như người phụ nữ lớn tuổi trong hình thì việc lo nhu cầu thiết của hàng chục hộ dân là quá tải. Ảnh N.T.H

Bắt đầu từ tổ dân phố

Trung Hiếu LDO | 27/08/2021 11:06

Sau gần một tháng phong toả cứng, bao nhiêu trách nhiệm lo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân đang đè nặng lên vai chính quyền cơ sở, mà cụ thể là tổ trưởng dân phố. Biểu hiện "mỏi" đã xuất hiện trong đội ngũ này, đang đặt ra yêu cầu phải có sự thay đổi đáng kể trong công tác điều hành, tổ chức của các cấp liên quan, đối với chính quyền cơ sở.

Đà Nẵng đến nay phong toả cứng đã 12 ngày! Trước đó, từ tháng 5, thành phố đã giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ ở cấp độ từ thấp đến cao. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện triệt để cách ly "nhà với nhà, tổ với tổ, phường (xã) với phường…". Trong đó, nguyên một quận Sơn Trà cách ly với đời sống chung gần một tháng.

Ngày nào cũng đi chợ cho tổ dân phố và hôm nào cũng đầy một xe như thế này. Ảnh: N.T.H

Khoá cứng toàn thành phố Đà Nẵng và chính quyền cơ sở xã, phường được chỉ định là đơn vị hành chính gần dân nhất, lo toàn diện nhu cầu thiết yếu, từ chuyện ăn, ở, đau ốm... hàng ngày cho người dân. Và tổ trưởng dân phố  là người “lãnh ấn tiên phong” làm công việc này. Bên cạnh tổ trưởng còn có các thành viên là phụ nữ, thanh niên (gọi tắt là Tổ COVID) cùng tham gia.

Nghe thì nghe đơn giản vậy, nhưng chạm vào mới thấy độ phức tạp của nó là vô cùng! Bình quân một tổ dân phố hiện có khoảng 3-5 người cùng lo nhu cầu thiết yếu cho khoảng từ 60-100 hộ dân; mỗi hộ bình quân 4 người, mới thấy khối lượng công việc thật khổng lồ.  

Mỗi ngày phải mang cả “cái chợ” về khu phố như thế này, cung cấp lại cho mấy mươi hộ dân. Ảnh N.T.H

Gần một tháng qua, thực trạng cho thấy, may mắn cho khu phố nào có tổ trưởng dân phố khoẻ mạnh, nhiệt tình và rành công nghệ thì ít nhiều người dân còn có lương thực, thực phẩm được cung ứng tương đối ổn so với nhu cầu; ngược lại vì lý do nào đó, tổ trưởng dân phố lớn tuổi, đau yếu hoặc thụ động… và hơn hết không biết tính toán, thiếu hiểu biết công nghệ thì dân khó tránh khỏi khó khăn trong việc tiếp nhận hỗ trợ hoặc cung ứng hàng hoá thiết yếu.

Sau gần 4 tháng giãn cách, 12 ngày khoá chặt…, biểu hiện quá tải đối với các Tổ COVID-19 đã xuất hiện, nhiều tổ trưởng dân phố suốt ngày “bạc mặt” ngoài đường, vừa đi chợ, vừa phát quà hỗ trợ đến từng nhà dân… trong khi vẫn "cơm nhà, áo vợ", gây không ít mệt mỏi, nản chí với nhiều người.

Đã có tổ trưởng di chuyển ngoài đường, gặp tai nạn giao thông, bị trọng thương… gây choáng váng không ít cho đồng sự; chưa kể dịch bệnh trập trùng đe doạ, vì không ít trong số này chưa được tiêm phòng mũi vaccine nào. Lác đác đã có những thông tin xin thôi làm… tổ trưởng dân phố, hội phụ nữ xuất hiện!   

Không ai đoán định được dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và mức độ ảnh hưởng đến đời sống xã hội như thế nào trong tương lai; tất cả được, mất trên thực tế phản ánh hiện nay ở Đà Nẵng, và không loại trừ sẽ và đã diễn ra trên nhiều địa phương, đòi hỏi các cấp từ địa phương đến trung ương phải có một cách nhìn khác, tổ chức khác với bộ máy chính quyền cơ sở, đặc biệt là nhóm các tổ trưởng dân phố, tổ trưởng phụ nữ, thanh niên đang lo liệu đời sống cho người dân ở các  khu phố.

Riêng ở Đà Nẵng, hiện nay có một số lớn cán bộ, viên chức, người lao động… trong diện thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, đã được chủng ngừa từ 1-2 mũi vaccine chống COVID-19 đang “ở không” tại gia và rất sẵn lòng chia sẻ “gánh nặng” lo cho đời sống thường nhật cho dân, với chính quyền cơ sở.

Trước mắt, thiết nghĩ, chính quyền TP Đà Nẵng nên tận dụng “ưu thế” tương đối an toàn của nhóm đối tượng nói trên để thực hiện việc hỗ trợ cho chính quyền cơ sở, giúp đỡ thu xếp cái ăn, cái mặc cho dân trong những ngày thành phố khoá cứng như thế này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn