MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đang thiếu rất nhiều thứ, mà thiếu nhất là niềm tin, thiếu cả nguồn tiền. Ảnh minh hoạ: Gia Miêu

Bất động sản là bộ phận quan trọng của nền kinh tế

Đào Tuấn LDO | 09/02/2023 19:49

3 nguồn tiền của bất động sản (BĐS): Từ chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng gần như cùng lúc thu hẹp và siết chặt.

“Coi BĐS là kẻ địch của nền kinh tế” là từ phát biểu của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Đình Ánh tại một toạ đàm về “Kiểm soát nguồn vốn vào BĐS”.

Theo ông, cho dù BĐS là đầu vào cho tăng trưởng, là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến từng hộ gia đình… nhưng nhiều người lại cho rằng, BĐS chỉ là kênh đầu tư có rủi ro, không đóng góp gì cho đất nước, thậm chí nói đến BĐS là lập tức nói đến bong bóng. “Nếu ứng xử với BĐS như thế này thì suốt ngày sẽ chỉ đi bàn câu chuyện siết hay kiểm soát. Bởi dường như chúng ta đang coi bất động sản là kẻ địch của nền kinh tế chứ không phải một bộ phận của nền kinh tế”. Dĩ nhiên, về phía các DN bất động sản phải nhìn lại, phải lột xác, thậm chí phải làm một cuộc "cách mạng" tự thân để lành mạnh, minh bạch và làm ăn chân chính.

Hôm qua (8.2), tại hội nghị tín dụng BĐS, câu chuyện trở lại trong những lời than của các doanh nghiệp (DN).

Thị trường chứng khoán thì giảm. Trái phiếu doanh nghiệp có những thay đổi lớn về pháp lý. Nguồn vốn ngân hàng bị “kiểm soát” chặt. Vậy là cả 3 nguồn tiền chủ yếu của BĐS đều bị siết chặn, như thể chúng ta bao vây ngăn chặn nguồn lương thảo của “kẻ địch” vậy.

Đó là còn chưa nói tới yếu tố then chốt là niềm tin đang bị suy giảm mạnh. Nó mạnh đến mức ngay cả khi các DN tăng chiết khấu đến 45-50% vẫn “bói không ra một khách hàng”.

Những số liệu từ thị trường BĐS số 1 của đất nước là TP HCM cho biết: Có tới 138/354 dự án đã hết thời gian thực hiện. 30 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công. 56 dự án nhà ở thương mại chưa xây dựng.

BĐS bất động, ngủ đông, hoặc đã đóng băng, hoặc nói đúng hơn là nằm chờ chết và “chết trên đống tài sản” khi nhiều DN tuy tổng tài sản có giá trị rất lớn đã hạ giá bán kịch sàn vẫn... hầu như không có người mua dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, mất thanh khoản.

Hôm qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sau khi đưa ra 5 thông điệp đã phát biểu kết luận: “Ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho người mua nhà vay, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau”. Đành rằng những giải pháp này rất đúng nhưng chưa đủ.

Bởi rào cản lớn nhất là niềm tin thị trường, là “ách tắc pháp lý”- chiếm tới 70% khó khăn của DN. Việc trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, hay nguy cơ các khoản vay tín dụng đến hạn chuyển thành “nợ xấu”... thì vẫn còn "mờ tỏ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn