MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bát phở, tô bún đã tăng là không bao giờ giảm!

Lê Thanh Phong LDO | 12/02/2020 11:00

Trước Tết, hầu như các hàng quán đều tăng giá, lý do mà các chủ quán đưa ra là giá thịt lợn tăng. Nhưng ngay cả các loại không liên quan đến thịt lợn như phở bò, phở gà, bún cá, vẫn cứ tăng giá. Dân gian nói “đục nước béo cò” rất thâm thúy, và chuyện hàng quán tăng giá là một ví dụ.

Có phải hàng quán tăng giá dịp Tết, sau Tết sẽ hạ giá không? Gần như (không muốn nói là hầu hết các mặt hàng) không bao giờ hạ giá. Có phải tăng giá vì giá thịt lợn tăng, sau khi giá thịt lợn giảm thì sẽ giảm? Cũng gần như không bao giờ!

Đã có cơ hội tăng thì không bao giờ giảm, đã cố tình leo thang là không xuống thang. Đó là sự không lương thiện trong kinh doanh. Cứ nhìn lại mà xem, bao năm nay, cứ chực chờ Tết là hàng quán tăng giá, nhưng sau Tết là giữ nguyên, nó như một quy luật của thị trường Việt Nam, và không ông quản lý nào can thiệp được.

Còn một câu chuyện khác xin bàn thêm, đó là khi thịt lợn ế ẩm vì dư thừa thì doanh nghiệp kêu “giải cứu thịt lợn”, lấy người chăn nuôi ra để làm bình phong. Bà con thấy thương người nuôi lợn, mua thịt lợn để “giải cứu”. Nhưng khi thịt lợn khan hiếm, thì xin hỏi ai giải cứu cho người tiêu dùng. Không ai giải cứu, mà chỉ khai thác túi tiền của người tiêu dùng mà thôi. Lúc này, xin hỏi doanh nghiệp chạy đi đâu? 

Đã 3 tháng từ khi giá thịt lợn tăng. Đến nay, đã bình ổn giá được chưa? Nếu không bình ổn được giá vì thiếu thịt lợn thì các doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn cung cho thị trường. Ngược lại, nếu đã đủ nguồn cung cho thị trường, nhưng giá vẫn cao thì khả năng doanh nghiệp bắt tay nhau để giữ giá là điều rất có thể.

Những doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn có bắt tay nhau để giữ giá thịt lợn không? Đây là câu hỏi nghiêm túc, và nếu có thì cơ quan quản lý thị trường ở đâu?

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện các nhóm mua dưa hấu, thanh long để “giải cứu” cho bà con nông dân. Thực chất, cũng là giải cứu cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Hoạt động mua dưa hấu, thanh long là sự giúp đỡ lẫn nhau trong lúc thiên tai, dịch bệnh, cũng rất cần thiết. Nhưng thông thường, hãy để thị trường làm công việc của nó, theo đúng quy luật sản xuất, kinh doanh và thương mại.

Đất nước muốn phát triển thì phải xây dựng một thị trường lành mạnh, không bị méo mó, nền kinh tế “từ thiện” với những cuộc giải cứu trong thương cảm cũng là một sự “méo mó”.

Đất nước cần những doanh nhân lương thiện, không lợi dụng các cơ hội để đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Và chuyện thịt lợn, giá hàng quán tăng không giảm là một thực tế sinh động của sự không lương thiện. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn