MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mai Văn Trinh - đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo - thông tin chính thức về kết quả sau 3 ngày xác minh sự bất thường trong điểm thi tại Sơn La (Ảnh:LĐO).

Bất thường điểm thi THPT Quốc gia: Phải chịu đau để cắt bỏ hết ung nhọt

Thẩm Hồng Thụy LDO | 22/07/2018 14:00
Vụ 330 bài thi được sửa điểm tại Hà Giang bước đầu đã được làm rõ và ít nhất một thủ phạm nhúng chàm đã bị bắt tạm giam. Nhưng chưa được yên thì đã đến Sơn La, rồi Hòa Bình cũng đang bị dư luận đặt nghi vấn có chuyện gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 vì có điểm cao bất thường.

Nên nhớ rằng, vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang cũng do dư luận phát hiện dấu hiệu bất thường rồi đặt ra nghi vấn, sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Tiếp đến Sơn La, qua mấy ngày xuyên đêm rà soát, kết quả ban đầu đã cho thấy có sự chỉnh sửa, nâng điểm cho hàng chục bài thi.

Còn nữa, Hòa Bình, Sơn La… cũng đang trong tâm điểm nghi vấn của dư luận có sự chỉnh sửa điểm. Tuy nhiên, không chỉ Hòa Bình mà tất cả các địa phương khác sẽ phải rà soát lại điểm thi THPT Quốc gia theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, và có báo cáo trước ngày 1.8.2018.

Nhưng liệu chỉ để cho các địa phương rà soát không thôi thì có khách quan? Thiết nghĩ, với những địa phương “trọng điểm” về nghi vấn sửa điểm thi/gian lận điểm thi THPT Quốc gia, hay các  tỉnh thành trong tốp đầu có số lượng bài thi 5 khối chính từ 27 điểm trở lên cao nhất cả nước sau Hà Giang, Sơn La còn có Hà Nội, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc…, Bộ GDĐT nên cử đoàn về giám sát trực tiếp quá trình ra soát điểm thi.

Từ sự gian lận nghiêm trọng tại Hà Giang đã dần lan rộng ra nhiều địa phương khác như một vết ố dần lan rộng cho ngành giáo dục. Không thể để vết ố này tiếp tục lan rộng theo ý muốn của những đối tượng cố tình phạm pháp. Thà chịu đau, thậm chí phải chịu đau, để cắt bỏ hết ung nhọt. Để giám sát việc rà soát điểm thi tại các địa phương được chặt chẽ, nghiêm minh, không chỉ cần sự giám sát của Bộ GDĐT, sự nhập cuộc của ngành công an, mà cần có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương nữa.

Sự hư hỏng, tiêu cực trong ngành giáo dục sẽ dẫn đến hệ lụy và hậu quả lâu dài bởi đây là ngành "trồng người". Con em chúng ta không được giáo dục theo cách đúng đắn và tốt đẹp từ “thuở còn thơ” thì mong gì được sự chính trực về nhân cách, sự  hữu ích cho gia đình và xã hội mai sau?

Đừng vội kết luận mô hình thi và chấm thi PTTH Quốc gia hiện nay có lỗi. Vấn đề đang nằm ở những cá nhân, nhóm người đã thực hiện hành vi xấu, vi phạm. Mô hình hiện nay phân quyền về cho 63 hội đồng thi, là một cách giải tỏa áp lực “lều chõng đi thi” cực kì nhọc nhằn, vất vả như trước đây đối với con em chúng ta. Tuy nhiên, ở khâu giám sát chấm thi, vẫn còn kẽ hở để cho những đối tượng gian lận có cơ hội thực hiện hành vi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn