MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay đang rộ nạn săn bắt chim yến bán cho quán nhậu, phóng sinh ở Khánh Hòa. Ảnh: Nhiệt Băng

Bắt và tiêu thụ chim yến nên xem là hành vi phá hoại nền kinh tế

Hoàng Văn Minh LDO | 21/11/2023 14:59

Nên xem, việc săn bắt và tiêu thụ chim yến trái phép không chỉ là hành vi hủy diệt môi trường mà còn là hành vi phá hoại nền kinh tế để có giải pháp xử lý nghiêm khắc, hiệu quả hơn.

Hôm qua (20.11), UBND tỉnh Khánh Hòa phát văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các địa phương kiểm tra tình trạng săn bắt chim yến trái phép.

Trước đó, ngày 30.6.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ký ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến với rất nhiều yêu cầu cụ thể.

Theo báo cáo của Công ty Yến Sào Khánh Hòa, tại Khánh Hòa, nạn săn bắt chim yến trái phép diễn ra từ lâu và đang có xu hướng phổ biến toàn tỉnh.

Nạn săn bắt chim yến trái phép cũng không chỉ diễn ra ở Khánh Hòa mà là vấn nạn chung của các địa phương có nuôi yến trên toàn quốc từ rất nhiều năm nay.

Chim yến bị săn bắt, không chỉ phục vụ cho việc phóng sinh mà còn được bán cho các quán nhậu với giá “rẻ bèo” từ 5 -7 ngàn đồng/con. Trong khi mỗi cặp chim yến có thể cho ra 2 - 3 tổ trong 1 năm. Một tổ yến có giá trị hơn 1,5 triệu đồng.

Săn bắt chim trời là hành vi hủy diệt môi trường, cần được lên án và xử lý quyết liệt. Nhưng săn bắt chim yến ngoài việc tận diệt môi trường, còn là hành vi phá hoại nền kinh tế của các địa phương. Cần có chế tài nghiêm khắc hơn để xử lý cả người săn bắt lẫn người mua bán, tiêu thụ.

Bởi theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ sau năm 2000 đến nay, ngoài khai thác tự nhiên, nghề nuôi yến sào đã phát triển mạnh thành một “mũi nhọn” kinh tế, có đóng góp lớn vào ngân sách các địa phương như Khánh Hòa, Hội An…

Và cả nước, hiện có trên 22.000 nhà nuôi chim yến, với sản lượng mỗi năm khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Xuất khẩu yến sào mỗi năm đạt 200 - 300 triệu USD.

Tuy nhiên, những con số này hiện đang bị "đe dọa" nghiêm trọng do nạn săn bắt chim yến trái phép, dẫn đến số lượng chim yến suy giảm do việc mất mẹ sẽ kéo theo việc chim yến con chết hàng loạt trên tổ ở hang yến hoặc nhà yến.

Thực tế cho thấy, các địa phương lâu nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép chim trời nói chung và chim yến nói riêng.

Dù Chính phủ và các địa phương liên tục phát công điện, văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý nghiêm. Và việc săn bắt, mua bán, tiêu thụ… mặc dù trái phép nhưng lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật.

Thậm chí có địa phương như Hội An, người nuôi chim yến còn kỳ công lần mò theo các đối tượng chuyên giăng lưới săn chim trời, các đầu nậu mua bán, chế biến chim yến... để chụp ảnh, quay phim, làm bằng chứng gửi đến chính quyền, ngành kiểm lâm nhờ can thiệp.

Vậy nên, suy cho cùng, khó nhất của việc ngăn chặn nạn săn bắt chim yến trái phép nói riêng và chim trời nói riêng hiện nay, vẫn là vướng ở sự thiếu quyết tâm vào cuộc của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ các cấp!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn