MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách tại các cảng hàng không tăng mạnh sau dịch COVID-19. Ảnh: NIA

Bay lòng vòng trên trời, khổ nạn của hành khách và hãng hàng không

Lê Thanh Phong LDO | 04/07/2022 17:34
Chỉ trong tháng 6.2022 đã có trên 5.600 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến, nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài quá tải.

Sau dịch, ngành hàng không phục hồi khá mạnh, nhiều đường bay tăng chuyến, tỉ lệ khách tăng. Ngành du lịch cũng phục hồi mạnh, khách du lịch nội địa là nguồn khách chính của hàng không.

Tuy nhiên, sự phục hồi của hàng không và du lịch đang bị một lực cản rất lớn, đó là giá xăng dầu. Năm 2019, nhiên liệu chỉ  chiếm khoảng 29% tổng chi phí của hãng, nay đã lên 50%. Như vậy, các hãng hàng không sẽ phải chi thêm 28-30 nghìn tỉ đồng cho nhiên liệu trong năm nay. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng và giá vé không theo kịp thì đương nhiên càng bay càng lỗ.

Lỗ vì giá xăng dầu tăng, và lỗ vì máy bay phải bay lòng vòng chờ hạ cánh, hoặc phải nổ máy xếp hàng chờ cất cánh. Theo các chuyên gia hàng không, mỗi phút bay thêm sẽ phát sinh chi phí từ 2-3 triệu đồng tuỳ loại tàu bay.

Nếu phải bay vòng 30 phút chờ hạ cánh thì mỗi tàu bay bị thiệt hại từ 60-90 triệu đồng. Mỗi ngày, các hãng bay có vài chục chuyến rơi vào trường hợp bay lòng vòng chờ hạ cánh thì phải mất thêm tiền tỉ. Nếu tính mỗi tháng, thiệt hại cho hãng hàng không quá lớn, và đó là chi phí "lãng phí" nhất, vì chỉ có đốt xăng trên trời.

Chưa kể, tàu bay lăn bánh chờ cất cánh quá lâu, cũng đốt thêm nhiều nhiên liệu, hãng bay chịu thiệt hại chồng chất. Người lao động của các hãng hàng không chưa "phục hồi" được thu nhập, nhưng doanh nghiệp phải xót xa chịu mất tiền tỉ hàng tháng chỉ vì tiêu hao nhiên liệu vô lối.

Hạ tầng hàng không yếu kém, quá tải, không chỉ hãng hàng không thiệt hại, mà đối với hành khách là sự khổ nạn. Hành khách chờ đợi, vạ vật mới được lên tàu bay, khi đến nơi cũng phải bay lòng vòng để chờ phiên đáp. Mất thời gian, vỡ kế hoạch công việc, hỏng giao dịch làm ăn, đảo lộn chương trình du lịch.

Những khổ nạn này không phải mới, nó đã có từ lâu, khi vào mùa cao điểm du lịch, dịp Tết, nhưng không khắc phục được mà càng ngày càng trầm trọng thêm.

Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch, các hãng hàng không đều dự đoán sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19 là có sự bùng nổ về du lịch và hàng không, ít nhất cũng phục hồi rất mạnh. Thế nhưng, hạ tầng hàng không vẫn chưa có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn đã được dự báo.

Những điểm nghẽn về hạ tầng hàng không chưa được giải quyết, tình trạng tắc trên trời, tắc dưới đất, tắc trong sân bay, tắc ngoài sân bay vẫn tồn tại, thì đừng nói tới phục hồi kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn