MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có 8 huyện thoát nghèo, 14 huyện hưởng cơ chế thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại có thêm 29 huyện được bổ sung vào danh sách huyện nghèo.

“Bệnh” không muốn thoát nghèo

ANH ĐÀO LDO | 19/09/2018 07:00
Báo cáo Chính phủ xác nhận tình trạng “không muốn thoát nghèo”, để được hưởng các chính sách có tính bao cấp, trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn rằng: Ở ta, dường như người nghèo cảm thấy vinh dự khi họ được gặp, bắt tay lãnh đạo và được tặng quà.

Đến hẹn lại lên, báo cáo 2 năm giảm nghèo bền vững được đưa ra Thường vụ Quốc hội và nó “trật” ngay ở hai chữ bền vững.

Bao chính sách được thực hiện, bao tiền bạc của cải đổ xuống nhưng kết quả là có 8 huyện thoát nghèo, 14 huyện hưởng cơ chế thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại có thêm 29 huyện được bổ sung vào danh sách huyện nghèo.

Tỉ lệ tái nghèo cũng vậy: 12 tỉnh có tỉ lệ tái nghèo “tăng rõ rệt”.

Và tái nghèo rất vô lý. Chẳng hạn nếu Hà Giang chỉ có 2.900 hộ tái nghèo thì Thái Bình là 2.506 hộ, hoặc chẳng hạn trong khi cả tỉnh Lai Châu chỉ có 1.581 hộ thì Nam Định cũng có tới 3.738 hộ.

Vô lý đến mức chính Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên rằng: “Không thể có chuyện Đồng bằng sông Hồng tái nghèo nhiều hơn nhiều tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La được. Nông thôn mới hoàn thành tại sao tái nghèo cao như thế? Điều này rất mâu thuẫn”. Phải công bằng rằng, thiên tai đang là một trong những lực cản rất lớn trong việc thực hiện các chính sách an sinh. Chính Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chứng kiến tình trạng của một huyện ở tỉnh Thanh Hóa. Chính phủ vừa bàn, vừa bỏ phiếu đưa một huyện thoát khỏi danh sách huyện 30a thì huyện này dính bão số 3. Nó tàn phá đến mức chính Bộ trưởng Dung cũng phải nhìn nhận: Chúng tôi vào kiểm tra thì thấy không thể đưa ra (khỏi danh sách huyện 30a) được nữa”. Nhưng lại càng phải công bằng rằng kết quả công tác xóa nghèo còn rất khiêm tốn, còn rất xa hai chữ “bền vững” là bởi sự trục lợi chính sách cũng như sự thụ động trong việc thụ hưởng.

Đúng là chẳng vui gì người dân lại không chịu thoát nghèo, lại “cảm thấy vinh dự khi họ được gặp, bắt tay lãnh đạo và được tặng quà”. Chẳng có ở đâu mà tình trạng bò dê chính sách “đi lạc” vào nhà cán bộ như ở địa phương nào đó. Trong khi chính sách vẫn ấn định chỉ tiêu hộ nghèo theo kiểu “ấn từ trên xuống”, vẫn cho con cá hơn là chiếc cần câu, vẫn mang tính chất chia phần thì khó có thể nói đến câu chuyện bền vững. Và tình trạng, hay nói đúng hơn là căn bệnh “không muốn thoát nghèo” chính là hậu quả của cả định hướng lẫn thực thi chính sách. Nếu muốn bền vững, những thiếu sót này cần phải được sửa ngay nếu như không muốn câu chuyện lặp lại vào năm sau, như bao năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn