MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đây không phải là bến tàu bến xe, đây là khung cảnh ở bệnh viện, nơi có những bệnh nhân nằm 3 tháng chờ mổ. Ảnh: Thiều Trang

Bệnh nhân nằm 3 tháng chờ mổ, chờ “sau cơn mưa”

Đào Tuấn LDO | 23/07/2022 12:53

Tân Bộ trưởng Y tế bày tỏ hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng giờ, bệnh viện thì “hết thuốc rồi” vì “cái gì cũng sai”. Bệnh nhân thì nằm chờ mổ 3 tháng. Cuộc “khủng hoảng y tế” chưa hề thấy lối thoát.

Chị Hoàng Huyền đưa chồng nhập viện từ ngày 1.7. Nhưng do “quá tải”, tới 19.7 mới được gọi lên làm thủ tục mổ.

Mẹ chị Tú Hải bị trượt đốt sống và có chỉ định mổ. Nhưng từ ngày thăm khám, mẹ chị phải “chờ mổ” trong suốt 3 tháng. “Chúng tôi liên tục phải gọi điện giục bệnh viện. Đến khi mẹ tôi đau quá không chịu được, bệnh viện mới thông báo sẽ sắp xếp lịch” - người phụ nữ này nói.

Nhưng đến viện rồi chị mới biết mẹ chị vẫn còn thuộc diện may mắn, vì còn la liệt người chờ rất lâu vẫn chưa được mổ.

Thắc mắc à? "Chưa có lịch”.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang xảy ra trên diện rộng với 28/34 sở y tế tỉnh, thành phố và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Bệnh viện quá tải. Các bệnh nhân chờ mổ nửa tháng, một tháng, thậm chí 3 tháng... Nhiều trường hợp chỉ vì thiếu cái “đinh nẹp xương” đang là một thực tế kinh hoàng tại các bệnh viện, cũng là một chỉ dấu cho thấy cuộc “khủng hoảng y tế” chưa hề chấm dứt.

Báo Thanh Niên vừa dẫn lời ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định “chẻ hoe” ra rằng: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do vướng mắc lớn nhất về thể chế; do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế có sự chồng chéo, lạc hậu.

Theo ông Hùng, có 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế phải sửa đổi theo quy trình rút gọn nhưng chưa biết khi nào thực hiện được. Trong khi “nếu bây giờ vội vàng sẽ sai”.

Chưa kể rằng từ ngày 1.8 tới, thông tư 08 buộc phải đấu thầu qua mạng bắt đầu có hiệu lực thì càng rối nữa.

Phép cộng của các vướng mắc đó chính là “cuộc khủng hoảng về mặt pháp lý liên quan đến công tác mua sắm”.

Một câu trả lời khái quát hết cái khó, cái vướng, và cả tâm lý sợ sai của ngành y.

Các bác sĩ thì “vẫn phải làm nhưng vấn đề là nó không đúng”. Các giám đốc phải đảm bảo mua sắm thuốc, vật tư y tế trong tình trạng “Giờ không cái nào đúng hết, áp dụng Thông tư 08 cũng sai, mà áp dụng theo Nghị định 98 cũng sai, áp dụng theo Thông tư 14 cũng sai. Cái gì cũng sai!”. Chính họ cũng không thể chờ “sau cơn mưa”.

Dường như cần phải có một biện pháp nhanh chóng, cần một sự quyết liệt để giải quyết nhanh chóng bế tắc, nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng. Chứ với những bệnh nhân kêu gào chờ mổ, chờ thuốc, họ không thể chờ “sau cơn mưa” nổi nữa rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn