MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Điện Biên chỉ còn lại 3 bác sĩ, thay nhau trực 24/24h với 60 bệnh nhân mỗi ngày, sau khi một đồng nghiệp ra đi. Ảnh: S.A

Bệnh viện chúng tôi đang..."tự ăn thịt mình"

Anh Đào LDO | 13/04/2021 11:19

“Tự ăn thịt mình” là nguyên văn lời than thở của một giám đốc bệnh viện cấp tỉnh từ cách nay 6-7 năm. Và hôm nay, nạn “chảy máu bác sĩ” vẫn tiếp tục. Chảy từ ngược về xuôi. Chảy từ công ra tư.

Các bác sĩ lặng lẽ nộp đơn xin thôi việc. Các bác sĩ, sau chương trình đào tạo - lặng lẽ không trở về. Các bác sĩ “dứt áo ra đi”, để lại những khoảng trống mênh mông… Câu chuyện xảy ra ở Điện Biên với những con số rất day dứt: Năm 2018: 6 người; Năm 2019: 12 người. Năm 2020: 9 người. Năm 2021: ???

Khoảng trống, hay cái gánh nặng đằng sau sự ra đi ấy là gì?

Chẳng hạn tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, sau khi một đồng nghiệp hoàn thành 2 năm bậc cao học rồi bỏ đi, Khoa chỉ còn lại 3 bác sĩ thay nhau trực, 24/24, với 30 – 60, thậm chí 90 bệnh nhân cấp cứu mỗi ngày.

Câu hỏi đằng sau sự “ra đi” ấy được đặt ra từ ít nhất cả chục năm rồi. Ở địa phương, thì đó là tình trạng “bệnh viện tự ăn thịt mình”, như lời ông Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Tự ăn thịt mình, vì kinh phí phân bổ chỉ 15% nhu cầu, còn lại phải tự xoay sở. Nhưng “xoay” cũng không xoay nổi, vì dân, vốn khó khăn - hầu như không khám dịch vụ. Người có điều kiện thì đã về… trung ương. Thu nhập của y bác sĩ vùng cao thì lại thấp, và ngoài lương “hầu như không có gì thêm nữa”.

Nhưng ở trung ương cũng không khá hơn. Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức từng có một lời than “kinh điển”: Chữa bệnh là trách nhiệm của người thầy thuốc, nhưng đi liền với trách nhiệm phải là quyền lợi (chứ), đứng ghép tạng cả đêm chỉ được mấy trăm bạc thì không có nghĩa lý gì. (Chứ) Lương 2 triệu/tháng chắc chắn có chuyện ngay.

Giá mỗi ca ghép thận thời điểm lời than kinh điển ấy là từ 200-300 triệu đồng; ghép gan, tim đắt hơn (khoảng 1,5 tỉ đồng), nhưng bồi dưỡng theo chế độ thì chỉ “vài trăm bạc”. Đúng là chả có cái lý nào giải thích nổi sự vô lý ấy.

Chuyện lương bác sĩ đầy tréo ngoe cũng được đưa ra Quốc hội. Đại ý sinh viên thi vào các trường y, dược đều là tầng lớp học giỏi nhất, tinh hoa nhất mới có thể đậu. Học y vất vả nhất, thời gian đào tạo lâu nhất, nhưng khi đi làm thì lương lậu, đãi ngộ lại cào bằng như nhau tất. Còn “chế độ” thì đấy: Đứng ghép tạng cả đêm được mấy trăm bạc.

Bạc quá.

Và tình trạng chảy máu bác sĩ, chảy từ ngược về xuôi, chảy từ công ra tư sẽ vẫn còn diễn ra nếu ở địa phương các bệnh viện vẫn phải tự xoay sở, “tự ăn thịt mình”, nếu lương và đãi ngộ của các y bác sĩ khu vực công vẫn “bạc” như thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn