MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trễ hẹn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho dân không hề là cá biệt. Trong ảnh, cử tri huyện Triệu Phong- Quảng Trị phản ánh việc hàng trăm hồ sơ bị tồn đọng. Ảnh: Hưng Thơ

Bêu danh

Anh Đào LDO | 16/01/2023 15:00

345 cán bộ, công chức, viên chức thuộc 123 cơ quan, đơn vị đã chính thức “được” Bình Định công khai danh tính. Họ - là những người đã trễ hẹn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của dân.

Năm 2019, từng có một trường hợp có thể “chép sách giáo khoa hành chính” về việc hành dân.

Đó là ngày 4.3.2019, công dân Phạm Lê Tuấn Nghĩa ở Quận 1, TP HCM đã đi hàng chục km tới Phòng tiếp nhận một cửa thuộc UBND huyện Bình Chánh để lấy sổ đỏ.

Chờ cả tiếng đồng hồ, nhưng khi tới lượt, ông Nghĩa nhận được câu trả lời thản nhiên: “Do bìa sai, quận Bình Thạnh đánh nhầm thành quận Bình Thành (sai dấu nặng-PV) nên khoảng 1 tuần nữa mới có".

“Bộ hồ sơ” khốn khổ của ông Nghĩa không chỉ trễ hẹn 1 lần. Từ năm 2018, ông Nghĩa xuống huyện Bình Chánh làm hồ sơ. Tới hẹn tháng 5.2018 ông lên lấy sổ đỏ thì nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Bình Chánh khi đó đã xin… trễ hẹn.

Một bộ hồ sơ, trễ hẹn 2-3 lần, trễ từ năm nọ qua năm kia, để công dân đi lại khốn khổ, bị hành tới hành lui, hẹn lần này qua lần khác.

Chúng ta thường nhấn mạnh khái niệm “phục vụ”. Nhưng sự việc Bình Chánh giống như một điển hình về sự vô trách nhiệm, vô cảm.

Hôm qua, lần đầu tiên tỉnh Bình Định công khai danh tính cán bộ, công chức, viên chức đã trễ hẹn giải quyết thủ tục hành chính của dân.

Con số thật sự khó tưởng tượng: Trong năm 2022, có tới 345 cán bộ, công chức, viên chức thuộc 123 cơ quan, đơn vị ở đủ 7 cơ quan cấp tỉnh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định và các huyện xã đã ít nhất một lần trễ hẹn giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của dân.

Hình thức “bêu danh” của Bình Định, trong nỗ lực cải cách hành chính hiệu quả hơn, là rất đáng ghi nhận.

Bởi chỉ có nhìn thẳng, nhìn đúng vào những khiếm khuyết thuộc về nhân tố con người trong bộ máy hành chính thì mới có thể sửa chữa được những sai sót.

Nhưng việc bêu danh có giúp cán bộ trách nhiệm hơn với nhiệm vụ được giao và với người dân hay không thì cũng chưa thể nói trước được.

Bởi “bêu danh”, hay gửi thư xin lỗi, suy cho cùng, vẫn là một biện pháp chứ không phải là một hình thức kỷ luật hành chính.

Và việc trễ hẹn với dân có lẽ chỉ thật sự chấm dứt nếu được hiểu đúng bản chất là đã không hoàn thành nhiệm vụ tối thiểu được giao… để loại thẳng tay những cán bộ tái phạm ra khỏi bộ máy nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn