MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm trong đêm để truy vết COVID-19 ở Quảng Bình. Ảnh: LTL

Bí thư, chủ tịch làm "phu nhà đòn": Chỉ có thể là sự tận tụy và trách nhiệm

Anh Đào LDO | 21/09/2021 16:34

Bất chấp những lo ngại, bất ổn khi mà những bí thư, chủ tịch xã phải khiêng những người chết vì COVID-19 đi chôn. Chúng ta nhìn thấy trong đó sự gương mẫu, tận tuỵ rất đáng để ngợi khen.

Đúng là hy hữu, là bất đắc dĩ, là chưa từng có khi mà Bí thư, Chủ tịch và toàn bộ Ban Thường vụ xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) phải khiêng những người dân chết vì COVID-19 đi chôn.

Tin trên báo chí cho biết: Vì trên địa bàn xã có người chết do COVID-19 trong hoàn cảnh toàn bộ gia đình đang phải cách ly tập trung, chính quyền đã đứng ra liên hệ với các cơ sở mai táng để “người chết không thể nằm đó”.

Nhưng “lò thiêu tỉnh Hà Tĩnh từ chối”. Các nhà đòn trên địa bàn cũng từ chối. Hàng xóm cũng từ chối vì sợ lây nhiễm COVID-19. Ban Thường vụ xã đã họp và đi đến quyết định chưa từng có: Bí thư, Chủ tịch xã và toàn bộ Uỷ viên Thường vụ sẽ khiêng người chết đi mai táng.

Nhưng chưa hết, ra đến nghĩa trang, những “phu nhà đòn” bất đắc dĩ ở Bảo Ninh gặp ngay “đồng nghiệp” - ông Phạm Xuân Thắng, Chủ tịch phường Hải Thành, cũng đang khiêng người dân chết vì COVID-19 sang “chôn nhờ”.

Hải Thành không có nghĩa trang. Phường đã thành lập “đội xung kích chôn người chết” nhưng các thành viên chưa được tiêm vaccine nên chưa thể làm nhiệm vụ được.

Vậy là lãnh đạo phường - những người tiêm 2 mũi vaccine phải đứng ra mai táng.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây. Sau khi mai táng về, ông chủ tịch theo quy định sẽ phải cách ly 14 ngày. Và “nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì không còn ai làm việc ở phường”- lời ông Thắng.

Vị Bí thư ở Bảo Ninh nói một câu rất day dứt: “Không thể để người chết nằm đó!".

Đó là câu chuyện vừa để đảm bảo phòng dịch, với nguy cơ là một nguồn lây nhiễm - nhưng tôi tin, nó chứa đựng nhiều hơn điều mà chúng ta gọi là đạo lý, tập quán.

Và đó là lý do cho sự bất đắc dĩ, khi chính quyền cơ sở, toàn bộ Ban Thường vụ, phải chấp nhận mạo hiểm.

Khi câu chuyện được công khai, có rất nhiều ý kiến về sự lúng túng, có rất nhiều những câu hỏi về “kịch bản” và có cả sự bàn ra tán vào... Nhưng việc những bí thư, chủ tịch... thay người thân họ - đưa người dân chết vì COVID-19 đi nốt đoạn cuối dương gian, không thể nói khác: Đó chính là trách nhiệm và sự tận tuỵ của chính quyền.

Bởi còn có một câu hỏi ngược lại: Nếu không có sự gương mẫu này thì ai sẽ làm?

Quảng Bình từng có những vị chủ tịch xã trọng việc dân hơn việc nhà - xả thân cứu dân và rồi hy sinh vì nhiễm khuẩn trong mùa lũ năm ngoái.

Và sự tận tuỵ nào cũng đáng để được trân trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn