MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở GTVT Nghệ An vừa lên tiếng giải thích ba chiếc xe biển xanh mang số 68 chỉ là "bốc ngẫu nhiên" chứ không phải mua bán hay xin xỏ gì (Ảnh VTC)

Biển số xe đẹp "ngẫu nhiên" và dấu hỏi của sự minh bạch

Anh Đào LDO | 19/10/2019 18:34

Trả lời về xe xanh biển “lộc phát”, Sở GTVT Nghệ An nói đó chỉ là ngẫu nhiên bốc được. Họ không chọn hay mua biển số. Có tin được sự “Ngẫu nhiên” đến tận 3 lần khi cả ba xe đều ngẫu nhiên bốc được biển “lộc phát”?

Không thể không nhắc lại rằng Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên, và đến nay là duy nhất tổ chức được 2 phiên đấu giá biển số xe đẹp. Trong 2 lần ấy, số tiền thu được từ 2 phiên đấu giá mang về hơn 4 tỉ đồng. 2,6 tỉ trong số đó đã được chuyển cho quỹ Vì người nghèo.

“Cha đẻ" của ý tưởng đấu giá biển số là Tướng Võ Trọng Thanh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Theo Tướng Thanh, nếu thực hiện đấu giá biển số đẹp thì cá nhân, doanh nghiệp và Công an, mỗi bên đều có lợi. 

Dân lợi, vì được thỏa mãn sở thích, bằng tiền- một cách minh bạch. Các doanh nghiệp có cơ hội làm từ thiện, quảng bá tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp- một cách minh bạch. Về phía Công an nói chung và Cảnh sát giao thông nói riêng, đấu giá biển số đẹp là một trong những biện pháp chống tiêu cực; mặt khác đảm bảo khách quan, dân chủ và cũng là cơ hội để cán bộ chiến sĩ làm việc thiện, tạo hình ảnh đẹp đối với người dân. Còn ngân sách địa phương, 2 phiên đấu giá với hơn 4 tỉ đồng có lẽ là một trong những câu trả lời xác đáng nhất.

Trước Quốc hội, việc đấu giá biển số xe cũng đã được ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh hai lần phát biểu công khai.

Với xuất phát điểm “không chỉ biển đẹp mới là tài sản công mà tất cả các biển số xe đều là tài sản công”, ông Cảnh tính toán: Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng 1.639 tỉ đồng”.

Và chẳng hạn, với số lượng ôtô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số lượng xe công, nếu thực hiện đấu giá, định giá thì trong năm 2016 đã có thể thu được gần 5.000 tỉ. Nếu, quy định này triển khai tương tự cho xe 2 bánh thì cũng thu số tiền không kém.

Trở lại với Nghệ An, sau 2 phiên đấu giá, địa phương này bị “tuýt còi” vì việc đấu giá vướng mắc thủ tục pháp lý.

Thủ tục pháp lý là gì?

Vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, cho nên, các Bộ ngành liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.

Và cuối cùng, để hôm nay, những cái biển “lộc phát” lại được “bốc ngẫu nhiên”, chẳng những không thu được một xu cho ngân sách mà còn gây điều tiếng, dị nghị, gây mất lòng tin của dân vào sự công tâm của cơ quan chức năng.

Thậm chí, gây bức xúc dư luận trước lời giải thích “ngẫu nhiên”.

Chúng ta có nên vì một khoảng trống pháp lý, thật ra bổ sung quá dễ, quá hợp lý, quá được lòng dân- để nhắm mắt với việc đấu giá, để rồi tất cả lại mù mịt?

Chúng ta có nên để tiếp tục xảy ra những cái ngẫu nhiên, y như kẻ thù của minh bạch, trong khi ngân sách không thu được 1 xu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn