MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình luận từ nghị trường: Âm tiết số 0 và cái giá treo cổ

Đào Tuấn LDO | 27/05/2015 08:36
Marina đứng giữa đám đông, xếp xung quanh mình từ chiếc lông vũ cho tới dao găm, thậm chí một khẩu súng lục đã lên đạn. Cô nói sẽ đứng im, ai muốn làm gì cũng được mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì.

Ban đầu, khán giả chỉ vuốt ve cô bằng chiếc lông vũ, chải tóc cô bằng chiếc lược nhỏ. Nhưng bạo lực dần tăng lên từng giây khi đám đông bắt đầu cắt nát quần áo của cô, ghim cành hoa hồng lên cơ thể, tát, đánh, gí súng vào đầu… Đây là những gì xảy ra năm 1974 trong một thí nghiệm tâm lý con người mang tên “Âm tiết số 0”. 40 năm, nhiều người còn nhớ như in hình ảnh Marina sau đó. Khuôn mặt thất thần. Đôi mắt đẫm nước. Bộ ngực trần chi chít vết thương. Và một cành hoa hồng vẫn còn cắm sâu những chiếc gai nhọn trên cơ thể cô gái 28 tuổi.

“Âm tiết số 0” đến giờ vẫn được coi một trong những giai điệu hung hăng và tăm tối nhất về cái ác của lòng người. Nó chứng tỏ rằng trong những hoàn cảnh “bất thường”, trong bóng tối, cái ác vô cùng dễ dàng được bộc lộ, bất kể đó là ai. Nhưng thật ra, pháp luật, ngay cả trong cổ luật thành văn đầu tiên, luật Hamurabi nổi tiếng hà khắc, cũng không thể trừng trị con người nếu cái ác không bộc lộ. Lại càng không vì cái ác được bộc lộ của một thiểu số mà quên đi rằng pháp luật thực ra được đặt ra là để bảo vệ con người. Bảo vệ ngay cả trong cách thức nó răn đe để cái ác không thể bộc lộ.

Hôm qua, khi Luật Hình sự sửa đổi được thảo luận trước Quốc hội với đề xuất bỏ án tử hình đối với rất nhiều tội danh, từ cướp tài sản; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ…, có lẽ, không thể không nhắc lại phát ngôn nổi tiếng của ĐBQH Hồ Trọng Ngũ. Xác nhận đây là những đề xuất tiến bộ, nhưng ông Ngũ cho rằng “không phải cứ bỏ hình phạt tử hình mới là nhân đạo”, bởi đây là “nhân đạo với một người, nhưng có khi lại vô nhân đạo với nhiều người”… Nhưng vấn đề lại ở hai chữ “có khi” - từ ngữ mô tả một dạng khả năng hoặc có hoặc không xảy ra.

Thật ra, thật khó để chấp nhận “không nhân đạo” với người này để “có khi” nhân đạo với nhiều người khác. Thật ra, pháp luật hãy cứ nhân đạo chừng nào còn có thể, hơn là lo lắng sự nhân đạo đó có thể là vô nhân đạo.

Cái ác, cứ chấp nhận là tiềm ẩn trong mỗi con người, nhưng còn có bao nhiêu ràng buộc để người ta không thể trỗi lên “giai điệu số 0” chứ không nhất thiết phải là một án tử hình - về bản chất, vẫn là tước đoạt mạng sống của một con người!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn