MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình luận từ nghị trường: Đảo nợ

Đào Tuấn LDO | 03/06/2015 09:10
Bội chi ngân sách có được phép dùng để chi trả nợ gốc? - ĐBQH Đồng Hữu Mạo đã đặt ra một câu hỏi khó trong phiên QH thảo luận Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Và sau đó ông khẳng định rằng: “Từ nay cần phải nói thẳng về chuyện đảo nợ. Dứt khoát không được bội chi NS để trả nợ gốc”.

Chỉ ngay trước kỳ họp QH, những cảnh báo về nợ nần và khả năng trả nợ đã được Bộ Tài chính công khai với đầy những “áp lực”, “thử thách” và những con số thật đáng lo ngại. Chắng hạn tổng số nợ đến hạn chiếm hơn 26% tổng thu NS. Nếu tính trả hết các khoản nợ đến hạn thì tổng số tiền trả nợ chiếm gần 30% tổng thu NS. Hay “theo kế hoạch”, năm 2015, tổng số nợ công mà Chính phủ phải trả là 150.000 tỉ đồng, tức khoảng 7 tỉ USD.

“Thử thách lớn” là ở chỗ không biết lấy nguồn nào để bù. Áp lực lớn ở việc nếu không tìm được nguồn cân đối, vấn đề trả nợ, đầu tư... rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trong những lựa chọn mà không phải đến bây giờ chúng ta mới làm - là vay để trả nợ. Nói chính xác, là đảo nợ.

Nhưng vấn đề lại chính ở các khoản vay đảo nợ này. Bởi, nói như ĐBQH Đồng Hữu Mạo, mục đích vay là đầu tư phát triển, tức là vay để tạo thu nhập tăng thêm, bởi đầu tư phát triển mới tạo ra sự tăng thêm. Nhưng nếu trong việc vay mới - được luật hóa trong việc sửa đổi luật lần này - cho phép các khoản vay có mục đích để trả nợ gốc cũ là thiếu sự điều hòa vốn vay. Cho phép vay đảo nợ là “che lấp khoản nợ vay” khi không thể nhìn thấy hoặc chứng minh mối quan hệ giữa vay mới và nợ cũ.

Vị Ủy viên Ủy ban Tài chính NS của QH cũng nhìn thấy rằng quy định này cũng làm giảm bớt mức độ khoản nợ vay, thậm chí khiến chủ thể đi vay có thể không quan tâm đến hiệu quả vốn vay và chỉ khiến NS nợ nần triền miên. “Chúng ta nói giảm được áp lực, nhưng thực chất không thay đổi được điều gì cả. Đây là đảo nợ và từ nay cần phải nói thẳng về chuyện này”. Và ông bảo “tôi thấy quan ngại”.

Có lần, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư - TS Nguyễn Đình Cung - cho rằng, việc đi vay nợ về để trả nợ là khoản vay “không tạo ra nguồn lực” và chỉ chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có.

Vấn đề của món nợ đầy áp lực kia, vì thế, phải là cách chúng ta bấm đốt ngón tay để tính toán lại, là nhịn, là bơn bớt “thói quen xấu đi vay” chứ không nên, không thể luật hóa việc vay đảo nợ trong một dự án luật quan trọng như Luật NSNN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn