MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình luận từ nghị trường: Đau cũng phải làm

ĐÀO TUẤN LDO | 30/05/2015 08:26
Đúng như dự đoán, con số bội chi ở mức 6,6% GDP khi được đưa ra trước Quốc hội (QH) đã gây ra không ít xót xa, bức xúc, bất bình từ phía các vị ĐBQH.

Nói nó phản ánh kỷ luật, kỷ cương về tài chính giá trị “không một xu gỉ” cũng chẳng có gì là oan cả, bởi số vượt chi vượt quá xa so với nghị quyết của QH. Hơn nữa, bội chi khủng khiếp cũng đang đặt ra vấn đề trên cả 3-4 phương diện, chất lượng sử dụng nguồn tiền bội chi, hậu quả đối với nợ công và quan trọng nhất, khi kỷ cương về tài chính bị xem thường - là sẽ tạo ra tiền lệ, tạo ra thói quen… bội chi trong kỷ luật ngân sách.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là cuối cùng QH phải miễn cưỡng gật đầu với bội chi, dù năm nào QH cũng ra nghị quyết.

Trước QH, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng nói, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để quyết toán mức bội chi 6,6% này.

Trước QH, ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng kỷ cương ngân sách có vấn đề. Nhiều địa phương thu-chi ngân sách làm không nghiêm, nhưng chưa thấy cán bộ nào bị đề nghị xử lý trách nhiệm.

Trước QH, ĐBQH Đồng Hữu Mạo bảo, chấp nhận bội chi tới 6,6% là trái luật ngân sách và bội chi tăng cao hơn đầu tư phát triển nghĩa là chúng ta đã vay để chi thường xuyên.

Nhưng cũng trước QH, ai cũng biết rằng rồi cuối cùng thì QH cũng phải bấm nút thông qua quyết toán như cái chặc lưỡi cho một sự đã rồi, một điều đã không còn có thể thay đổi. Liệu tiền đã chi đi thì có thể nói không (!?)

Nhưng phiên thảo luận cũng cho thấy vấn đề là nếu chúng ta cứ “xuê xoa” - chữ dùng của ĐBQH Trần Du Lịch - thì bội chi vẫn sẽ diễn ra và khi ấy, thật khó để bảo nghị quyết QH về ngân sách có còn được gọi là có giá trị pháp lý.

Hôm qua, ĐBQH Trần Du Lịch đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời “QH có điều chỉnh kế hoạch ngân sách để điều chỉnh kỷ cương như một tính chất bất luận mà không ai làm trái được? Hay là chúng ta cứ để tăng thu thì tăng chi theo kiểu nước lên thì thuyền lên?”. Và ông cho rằng “Những tồn tại về mặt thể chế cần phải được khắc phục ngay, nếu không chúng ta tiếp tục tình trạng chi tiêu không có kỷ cương”.

Hôm qua, ĐBQH Lê Nam đã nói đến một “cách thức quyết liệt, thậm chí cực đoan” để ngăn chặn tình trạng này. Chẳng hạn dự toán quyết rồi thì địa phương nào, ngành nào tăng một xu cũng không được. Đau cũng phải làm, mới có thể đảm bảo quản lý nợ công như mong muốn.

Biện pháp không phải là không có. Chỉ có điều chúng ta có muốn, có dám làm hay không mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn