MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình luận từ nghị trường: Được quyền im lặng

Đào Tuấn LDO | 29/05/2015 08:58
Trong một dòng tít rất chuẩn, một tờ báo cho biết “các tướng công an không muốn quy định Quyền im lặng”. Các tướng công an ở đây đương nhiên là các vị ĐBQH, và quan điểm của họ được đưa ra trước 2 chế định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi): Quyền im lặng của bị can, bị cáo; và quy định ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung.

Có mối lo lắng về sự “bó tay” khi những quy định này sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra. Có lo lắng về sự phù hợp của các quy định này với thực tế “trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta”. Một ĐBQH thậm chí phát biểu theo đúng nghĩa đen rằng “ghi âm ghi hình để đâu, kho đâu mà chứa. Nói chung sẽ rất tốn kém tiền nhà nước”. Một vị ĐBQH là giám đốc CA tỉnh còn bất bình nói quy định “quyền im lặng” là vô lý. Vị khác nói đây là quy định “bắt chước nước ngoài”, và rằng “đừng nhìn vào một số vụ án oan sai mà đảo lộn tất cả”.

Những lo lắng đó thật ra bắt nguồn từ trách nhiệm của ngành công an trong một trọng trách không ít khó khăn là ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Nhưng nếu lập luận “người bị bắt, bị tạm giữ trước hết có quyền chứng minh mình không phạm tội” thì thật ra là chưa chính xác khi nó trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Còn nói “giết người, đánh người gây thương tích mà bảo là được quyền im lặng, không phải trình bày gì cả thì không đúng” thật ra mới là không đúng.

Bởi một tội phạm trị an có hành vi gớm ghiếc, độc ác, man rợ đến đâu thì trước hết anh ta cũng có quyền và quyền ấy phải được tôn trọng trước hết từ chính những người bảo vệ pháp luật. Bởi, nói như Phó Chánh án Nguyễn Văn Độ “công tố là quyền của Nhà nước thì Nhà nước phải chứng minh một người có tội”. Hôm qua, ông Độ cũng nói rằng cần từ bỏ tư duy cũ “người bị bắt không nhận tội hoặc không khai báo thì được coi là tình tiết tăng nặng”. Hôm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khuyên rằng: “Các cơ quan tố tụng phải tập làm quen với việc bị cáo im lặng, tránh việc bức cung, nhục hình ép buộc bị cáo phải nhận tội.

Một quy định mới rõ ràng sẽ gây ra tốn kém, rõ ràng gây khó khăn hơn cho việc chứng minh tội phạm… Nhưng cũng rất rõ ràng, tốn kém, khó khăn không phải là lý do hợp lý để bác bỏ những quy định tiến bộ vừa đảm bảo quyền của bị can bị cáo, vừa ngăn chặn tình trạng ép cung nhục hình, tránh những oan sai thấu trời xanh. Hình như đã đến lúc cái câu “anh có quyền im lặng” phải trở thành một thông lệ trong mọi vụ án hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn