MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Blackpink sẽ có 2 buổi hòa nhạc tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội vào cuối tháng 7 này. Ảnh: YG Entertainment

Blackpink đến Hà Nội và giấc mơ âm nhạc Việt vươn tầm thế giới

Hoàng Văn Minh LDO | 28/06/2023 14:18

Gần 1 tháng nữa, 2 buổi biểu diễn Born Pink của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình mới diễn ra, nhưng mấy hôm nay, thông tin liên quan đến sự kiện và nhóm nhạc này đã gần như “chiếm sóng” mạng xã hội Việt Nam.

Thậm chí, bài thông báo chính thức của công ty YG liên quan đến sự kiện và nhóm nhạc này tại Hà Nội vừa xuất bản đã thu hút gần 600.000 lượt thích, cho thấy sức hút khủng khiếp của nhóm nhạc này đối với cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam.

Là chưa kể, trên mạng xã hội đã chia phe cãi nhau, công kích nhau về chuyện nên hay không nên thần tượng các ngôi sao Hàn Quốc.

Blackpink là nhóm nhạc nữ 4 người nổi tiếng nhất thế hệ thứ 3 Kpop, và cũng là nhóm nghệ sĩ Hàn Quốc có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. 

Blackpink bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới từ tháng 10.2022, đến nay đã đi qua nhiều quốc gia ở Châu Á, Bắc Mỹ, Châu Âu với 60 đêm concert.  

Và đến thời điểm này, chuyến lưu diễn đã chạm mức doanh thu 78 triệu USD - cao nhất mọi thời đại của một nhóm nhạc nữ, vượt qua kỷ lục trước đó do nhóm nhạc nữ người Anh Spice Girls nắm giữ.

Nhìn hành trình và những con số của nhóm nhạc Blackpink, không thể không nghĩ đến giấc mơ vượt biên giới của âm nhạc Việt, được loé lên từ lâu và bắt đầu có hy vọng từ cuối năm 2022, khi ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc Việt và lan tỏa ra nhiều nước trong khu vực.

Gần đây nhất, ca khúc này lên sân khấu “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” - một chương trình truyền hình rất nổi tiếng của Trung Quốc. 

Hay ca khúc “Ngây thơ” của Tăng Duy Tân, do chính nghệ sĩ này thể hiện cùng nữ ca sĩ Huang Ling hát bằng tiếng Trung đã đạt hơn 10 tỉ view trên Douyin, góp mặt tại QQ Music- bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu Trung Quốc.

Hay việc Sơn Tùng ra mắt một MV hát bằng tiếng Anh và dự định dùng nó làm bàn đạp để “đánh” vào thị trường âm nhạc Mỹ…

Đáng tiếc, tất cả chỉ là những cơn sóng nhất thời có sự "xô đẩy", hỗ trợ của mạng xã hội cũng như công nghệ. Mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh là nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam vẫn đang manh mún và rời rạc, chưa đủ lớn mạnh và chuyên nghiệp để vươn ra tầm quốc tế.

Còn nhớ tại cuộc họp báo giới thiệu sự trở lại của dự án “Gió mùa” mới đây, nhạc sĩ Quốc Trung đã thẳng thắn đến mức mất lòng khi nhận định rằng việc một số nghệ sĩ Việt Nam muốn “đánh phá” thị trường âm nhạc Mỹ là để “làm màu”. Bởi ngay các nghệ sĩ của Thái Lan, Singapore, thị trường âm nhạc của họ đã vượt chúng ta nhiều năm còn chưa làm được.

Thực tế, Hàn Quốc, để có được một nhóm nhạc Blackpink ảnh hưởng toàn cầu cùng một nền công nghiệp âm nhạc lớn mạnh như bây giờ là sự nỗ lực trong một thời gian rất dài của cả một hệ sinh thái liên quan gồm nhà tổ chức, chính sách từ chính phủ, sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn...

Còn chúng ta? Các nghệ sĩ chẳng có gì nhiều ngoài khát vọng...

Âm nhạc Việt Nam muốn vươn tầm thế giới, muốn có những Blackpink thì cần có chính sách phát triển bền vững ở tầm quốc gia chứ không chỉ trông chờ vào những nỗ lực, mong muốn của một vài cá nhân kiểu như “See tình” của Hoàng Thuỳ Linh được!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn