MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án dự thi khoa học kĩ thuật của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp, trong đó có các sản phẩm do người dân địa phương bán trên thị trường. Ảnh: Hải Đăng

Bộ Giáo dục Đào tạo nên dũng cảm bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật

Hoàng Văn Minh LDO | 31/01/2024 09:46

Trên Báo Lao Động, một giáo viên phổ thông tại tỉnh Đắk Nông thẳng thắn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh và khẳng định nó không thực chất, không trung thực.

“Toàn bộ ý tưởng đề tài dự án đều do giáo viên tự làm, tự thiết kế sau đó ráo riết hướng dẫn cho học sinh tập luyện để thuyết trình, biến sản phẩm của giáo viên thành của học sinh. Do đó, khi đi thi, tất cả đang trình diễn một quy trình ngụy tạo, ai cũng biết như thế nhưng cứ để cho nó diễn ra” - bà Kiều Thị Giang, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông nói.

Cũng theo bà Giang, cuộc thi khoa học kỹ thuật đi ngược lại với nguyên tắc giáo dục học sinh về phẩm chất trung thực và khả năng sáng tạo. Dự án thi xong không có khả năng ứng dụng trong đời sống. Cuộc thi không công khai quy trình, có trường hợp mua sản phẩm ngoài chợ về dự thi...

Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2013 nhằm khuyến khích các em học sinh phát huy tính sáng tạo, tự tìm tòi nghiên cứu để phát triển khoa học kỹ thuật. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học.

Lên tiếng chỉ ra những bất cập cũng như thẳng thắn đề nghị bãi bỏ cuộc thi như cô giáo Kiều Thị Giang không phải là lần đầu tiên. Mà từ năm 2019, dư luận, báo chí đã bắt đầu lên tiếng phản ánh về những lùm xùm quanh cuộc thi này ở quy mô toàn quốc.

Những năm sau đó, báo chí, đặc biệt là Báo Lao Động đã có nhiều loạt bài phản ánh những góc khuất, bất cập cũng như đề nghị bãi bỏ cuộc thi này bởi nó quá nhiều câu chuyện vô lý.

Đây là một cuộc thi không ổn, nếu không muốn nói là sai từ trong bản chất. Bởi học sinh phổ thông nghĩa là những người còn đi học các kiến thức phổ thông, cơ bản, nền tảng. Và Luật Giáo dục từ trước đến nay không đặt ra yêu cầu nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với đối tượng này.

Vậy nên có người ví "bắt học sinh phổ thông thi nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật chẳng khác gì bắt trẻ sơ sinh thi chạy". Vì học sinh chưa có đủ năng lực, nên mới có chuyện giáo viên tự làm, tự thiết kế, sau đó hướng dẫn cho học sinh thuyết trình như cô Giang đã khẳng định.

Nên mới có chuyện mặc dù số lượng dự án đạt giải tại cuộc thi khoa học kĩ thuật các cấp lên đến hàng chục nghìn trong hơn 10 năm qua, nhưng đến nay, chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố số lượng dự án đã được đưa vào áp dụng, ứng dụng trong thực tế.

Sau rất nhiều áp lực từ dư luận và báo chí, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những động thái “sửa sai” khi trong dự thảo quy định mới, Bộ đã bãi bỏ, rút gọn 14 lĩnh vực dự thi. Hay hồi tháng 7.2022, Bộ phát công văn số 2816 hỏi ý kiến giáo viên cả nước về việc có nên dừng cuộc thi này?

Nhưng có lẽ, đã đến lúc, thay vì “sửa sai” và hỏi ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dũng cảm bãi bỏ cũng như từ bỏ cả những “thành tích ảo”, hại nhiều hơn lợi mà cuộc thi này đã và đang mang đến cho ngành mình!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn