MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đưa ra kiến nghị về biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn sách giáo khoa

Lê Thanh Phong LDO | 02/11/2023 06:00

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, ông không tán thành về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa dẫn đến triệt tiêu xã hội hoá, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hoá và đi ngược lại xu hướng quốc tế.

Ý kiến trên được trình bày tại nghị trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra chiều 30.10.

Xin được ủng hộ quan điểm trên, bởi vì thứ nhất là có cơ sở pháp lý. Cụ thể, tại điểm d, khoản 7, Điều 1 Nghị quyết số: 122/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội nghi rõ: "... Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân".

Điểm b, khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định: "Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật".

Như vậy, Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28.11.2014 về việc Bộ giáo dục Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đã được hai văn bản nêu trên điều chỉnh.

Ngoài cơ sở pháp lý, thực tiễn cho thấy việc xã hội hóa sách giáo khoa đã được triển khai có hiệu quả. Giáo viên, phụ huynh, học sinh thoát ly khỏi cái khung cũ, được tự do lựa chọn bộ sách mình mong muốn. Nhiều bộ sách mang đến nhiều thông tin, kiến thức. Giáo viên và học sinh tham khảo, đối chiếu, so sánh trong quá trình dạy và học, đó chính là một phần của cải cách giáo dục.

Giáo viên có thể tham khảo nhiều bộ sách giáo khoa, chắt lọc kiến thức giá trị nhất để cung cấp cho học sinh, từ đó học sinh sẽ rèn luyện tư duy tiếp cận cái mới, loại bỏ cách học tủ, học vẹt.

Ngành giáo dục làm cho tốt công việc quản lý, còn hãy để cho đời sống vận động theo quy luật của thay đổi và phát triển. Cứ khư khư giữ cách làm cũ là ngược quy luật, thì chuyện biên soạn sách giao khoa cũng vậy thôi.

Chưa kể, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa là tốn kém thêm một khoản ngân sách không nhỏ. Đây là việc không cần thiết, dành nguồn tiền đó sử dụng cho những việc có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực cho giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn