MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hôm qua, Sabeco về tay “rể ngoại” sau một thương vụ trị giá 4,8 tỷ USD.

Bộ trưởng Công Thương và vụ “cô gái Sabeco” lấy rể ngoại

Anh Đào LDO | 19/12/2017 10:11
Tới tháng 6 năm ngoái, vẫn còn có tư duy rằng “Có ông bố nào gả con gái xinh lại mang ra chợ và lấy số đấu giá, trúng thằng nào thì lấy thằng đấy?”. Hôm qua, Sabeco về tay “rể ngoại” sau một thương vụ trị giá 4,8 tỷ USD. Nên hiểu đó là thất bại vì bị “thâu tóm” bởi người Thái, hay thành công với một mẫu mực của việc bán vốn nhà nước?

Vietnam Beverage, doanh nghiệp vừa được thành lập tháng 10.2017 với 49% vốn thuộc về Hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ 53,59% cổ phần của Sabeco sau phiên đấu giá chiều 18.12. Nói kiểu dân dã là “cô gái Sabeco” đã về tay rể ngoại.

Nhưng nói đúng hơn, phải là việc đã bán thành công vốn nhà nước tại Sabeco, Nhà nước sẽ thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.

Đơn giản là từ lâu, chúng ta quá chán nản, quá sốt ruột với việc nhà nước ôm tất, ôm cả bia, cả sữa.

Cổ phần hóa, hay bán vốn nhà nước, hay việc nhà nước rút khỏi những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chi phối, điều này đúng cả trên lý thuyết kinh tế lẫn kiểm chứng thực tế. Nhưng việc thực hiện nói là một chuyện, làm lại  không dễ chút nào.

Năm ngoái, khi Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất bán dứt điểm vốn Nhà nước tại Sabeco theo hình thức đấu giá một lần công khai trên sàn để nhằm gia tăng tối đa giá trị, ông Phan Đăng Tuất,  Vụ trưởng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, còn bảo “là hậu họa”, rằng: “Có Nhà nước nào, có ông bố nào gả con gái xinh, lại mang ra chợ và lấy số đấu giá, trúng thằng nào thì lấy thằng đấy?”.

Trong gần 2 nhiệm kỳ Bộ trưởng, Sabeco đã được đặt lên bàn không biết bao nhiêu lần, rồi cũng chừng đó lần không thể thực hiện. Để lùm xùm, lại là cái tên con trai ông Bộ trưởng là Vũ Quang Hải nắm giữ hai chức vụ thành viên HĐQT và Phó TGĐ Sabeco. Dân nói không chịu thoái vốn, người ta nói lợi ích cục bộ là có cái lý của người ta.

Cho nên, cái cách bán đấu giá phần vốn nhà nước qua một phiên đấu giá minh bạch nên được xem là một thành công.

Thành công ở chỗ nhà nước thoái vốn khỏi những khu vực, những DN không cần nắm giữ, chi phối. Cổ phần hóa nói 10 năm nay rồi, nhưng nên nhớ, cho đến trước phiên bán vốn này, còn tới 92% số vốn nhà nước chưa bán.

Thành công còn ở việc Bộ Công Thương đã bứt thành công khỏi sự nại khó, khỏi lợi ích cục bộ.

Và nếu có một người đáng để chúc mừng thì hẳn nhiên đó là Bộ trưởng đương nhiệm Trần Tuấn Anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn