MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Là tư lệnh ngành nhưng Bộ trưởng Giáo dục đang không quản cả giáo viên lẫn tiền bạc. Ảnh: Vân Trang

Bộ trưởng Giáo dục: Như một vị tướng không vũ khí, không cả lính

Đào Tuấn LDO | 20/10/2022 13:10

Cái ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước nay vẫn luôn là ghế nóng.

Sách giáo khoa thiếu, đắt, thay đổi liên tục: Bộ trưởng.

Học phí tăng: Bộ trưởng.

Thiếu giáo viên: Bộ trưởng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học: Cũng Bộ trưởng.

Nhưng hôm qua, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội, trong một phút nói thật, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nói một cách “phải sòng phẳng”, rằng: Ngành giáo dục đang nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Giáo viên, và tài chính.

Mà đúng như Bộ trưởng Sơn nói, giáo viên thì do Bộ Nội vụ quản lý theo ngành dọc, tha thiết đi xin mãi thì được duyệt thêm hơn 65.000 biên chế (đến 2025).

2 năm qua, 29.000 giáo viên bỏ việc và theo kế hoạch, năm nay cần phải tuyển 27.850 giáo viên.

Nhưng Bộ Giáo dục lại không thể tuyển. Lý do: Đây là thẩm quyền địa phương.

Còn địa phương thì, ở rất nhiều nơi - không dám tuyển. Vì “để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế”.

Về tài chính, bên nắm túi tiền, quyết định chi cho việc mua sắm là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Hàng năm, ông Chủ tịch làm việc với Trung ương về ngân sách cho giáo dục địa phương. Bộ Giáo dục không những không biết là bao nhiêu, còn không được biết các cơ quan trung ương duyệt thế nào, phân bổ đi đâu. Không biết là thiếu hay thừa.

Bộ Giáo dục không có tiền để cho trường này lớp kia thậm chí một cái máy tính, dù biết là thiếu.

Chẳng hạn như ở Mèo Vạc, đang chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh cho 73 lớp tiếng Anh cấp tiểu học với 2.600 học sinh và tổng cộng 10.640 tiết học mỗi năm, nhưng “ông Bộ trưởng” cũng không thể điều thêm được dù chỉ 1 giáo viên.

Thẩm quyền duy nhất, tư cách duy nhất là “kiến nghị, đề xuất".

Nghĩ éo le cho giáo dục: Các thầy cô giáo lương thấp, áp lực công việc lớn... vô số đã bỏ nghề. Còn thầy Bộ trưởng, cũng đầy tâm trạng, đầy những câu hỏi bế tắc đến tuyệt vọng trong việc tìm kiếm những đáp án.

Hôm qua, thầy Bộ trưởng tâm sự là: “Cứ mỗi buổi chiều trong đầu tôi có vô số những chữ “phải phải phải”… ập đến”.

Nghĩ cũng tréo ngoe: Nếu nói giáo dục là một trận đánh thì giáo viên chính là những người lính, còn “tài chính”, nghĩa đen là tiền - như vũ khí trong trận đánh ấy.

Nếu nói bộ trưởng là một tư lệnh thì Bộ trưởng Giáo dục, với thực tế “trừ hai thứ”- giống như một tư lệnh đang không có cả lính, lẫn vũ khí.

Vị tư lệnh ấy liệu có thể làm gì ngoài việc đặt câu hỏi mà không thể tự trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn