MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từng tham gia môi trường quân đội, nên bố của Thảo ủng hộ, động viên khi Thảo viết đơn tình nguyện "đi bộ đội". Ảnh: Hưng Thơ

Bỏ việc lương cao để xin nhập ngũ và "đi bộ đội" không chỉ là nghĩa vụ

Hoàng Văn Minh LDO | 25/02/2024 06:10

Năm nay, có rất nhiều thanh niên nam nữ, thậm chí có người đã tốt nghiệp đại học, có việc làm thu nhập cao, tự nguyện viết đơn xin "đi bộ đội".

Trần Thị Phương Thảo, quê ở Quảng Trị, đang làm bác sĩ thú y, quản lý trong một trang trại chăn nuôi lớn ở tỉnh Bình Phước với mức lương khá cao - 18 triệu đồng/tháng.

Làm được nửa năm, vào tháng 10.2023, qua điện thoại, Thảo trình bày với bố mẹ việc muốn nhập ngũ.

Lý do, như lời của Thảo trên Lao Động là “khi vào đại học, bản thân có 1 tháng đi học quân sự và thích môi trường này. Với lại em còn trẻ, muốn vào quân ngũ để thử sức, rèn luyện và thực hiện nghĩa vụ của một công dân”.

Đây là thông tin rất bất ngờ, gây sốc cho bố mẹ Thảo bởi nhà chỉ có 2 con gái, Thảo là chị, vừa có việc làm thu nhập cao, vừa “gánh” chi phí mỗi tháng 4 triệu đồng cho em gái đang là sinh viên ở Huế.

Nhưng bố mẹ Thảo không thể không đồng ý, trước hết, vì truyền thống gia đình khi ông nội Thảo từng là bộ đội từng tham gia trận Điện Biên Phủ, bố Thảo cũng từng là bộ đội thuộc Quân chủng Phòng không Không quân.

Mùa tuyển quân năm nay, không hiểu sao những trường hợp tự nguyện viết đơn xin "đi bộ đội" như Thảo lại rất nhiều. Như ở Kim Bôi, Hòa Bình có 2 anh em sinh đôi người Mường cùng viết đơn xin nhập ngũ, dù trên nguyên tắc, một trong hai người được hoãn.

Hay ở quận Thanh Khê của Đà Nẵng, thậm chí còn có 3 anh em ruột, trong đó có 2 người sinh đôi cùng lúc viết đơn xin "đi bộ đội" và cả 3 cùng trúng tuyển.

Cũng ở Đà Nẵng, còn xúc động hơn khi một thanh niên xin gia đình đi mổ mắt do bị cận thị chỉ với mục đích nhằm đảm bảo đủ sức khỏe tốt nhất có thể để viết đơn xung phong "đi bộ đội" được thuận lợi.

Có một thực tế là từ rất nhiều năm nay, việc “đi bộ đội” với nhiều thanh niên và cả phụ huynh của họ là ở thế chẳng đặng đừng. Nên có rất nhiều người đã phải “chạy” bằng mọi cách, mọi nghĩa để con em mình được tạm hoãn nghĩa vụ được năm nào hay năm ấy.

Nên có thể nói, việc nhiều người viết đơn xin “đi bộ đội” ở khắp các địa phương (như ở Hòa Bình có đến 87 người, Quảng Ngãi có 109 người...) trong mùa tuyển quân năm nay là một hiện tượng lạ.

Điều này cho thấy, môi trường quân ngũ của chúng ta trong thời bình đang có những lực hút rất hấp dẫn đối với người trẻ.

Và bây giờ, “đi bộ đội” là một lý tưởng sống cao đẹp, một lựa chọn rèn luyện nghiêm túc nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Và điều này đã được kiểm chứng từ gia đình như trường hợp của Thảo, chứ không đơn thuần là hai chữ “trách nhiệm” với Tổ quốc, kiểu thôi đi cho xong nghĩa vụ như lâu nay từng quan niệm nữa.

Với nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore... đi bộ đội hay đã “tốt nghiệp” quân ngũ trong thời bình không những là "nghĩa vụ quốc gia" bắt buộc mà còn là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ "trưởng thành" hay chưa "trưởng thành" của công dân.

Dĩ nhiên ở Việt Nam mình, “đi bộ đội” trong thời bình không giống với Hàn Quốc hay Singapore. Nhưng việc có nhiều người trẻ là anh em sinh đôi, là nữ bác sĩ thú y đang có thu nhập cao vẫn bỏ việc để viết đơn gia nhập quân ngũ trong sự quyết tâm và sự nghiêm túc là một tín hiệu rất tích cực từ nhiều phía!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn