MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bốc thuốc chữa bệnh... sợ sai!

Xuân Hùng LDO | 01/06/2023 06:02

Thực thi công vụ, biết sợ sai mà cố gắng làm cho đúng là điều tốt. Nhưng sợ sai đến mức không làm gì, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm lại là “bệnh” cần phải có “thuốc chữa”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn vừa ký ban hành chỉ thị nêu rõ, bên cạnh những mặt tích cực, thành tích đạt được, thực tế vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, trả lời, hướng dẫn chung chung, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; một số cơ quan chủ trì tham mưu, đề xuất chỉ mang tính đối phó, không rõ nội dung, lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình...

Đó là hàng loạt “bệnh” của cán bộ, công chức ở không ít cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ ra. Và đó cũng là căn “bệnh” không hiếm gặp ở các địa phương, đơn vị khác.

Để chữa những chứng “bệnh” đang từng ngày ăn mòn ý thức, tê liệt hành vi của không ít cán bộ, công chức, đặc biệt người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ giảm sút, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã nêu ra hàng loạt “đơn thuốc”.

Theo đó, tuyệt đối không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương mình sang cơ quan khác. Khi giải quyết công việc, cơ quan được giao chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan; không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan để né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ. Không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm…

Đó là những đơn thuốc rất rõ ràng, rất đúng bệnh, rất kịp thời. Tuy nhiên, “con bệnh” có chịu uống thuốc hay không và kể cả có uống nhưng “thuốc” có ngấm hay không lại là chuyện khác, hay là bệnh lâu ngày thành quen, “thuốc” uống mãi vẫn không chuyển.

Để giải quyết những “con bệnh” này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ những "liều thuốc" mạnh như: Phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; kiên quyết, chủ động điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, công cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước đạt được nhiều thành quả tích cực, được nhân dân đồng lòng, phấn khởi. Theo đó, việc xử lý những cán bộ nhúng chàm, tham nhũng, lạm dụng… theo quy định pháp luật là cần thiết và thường xuyên, đó là chức trách nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật. Cán bộ công chức phải nhìn vào những bài học đó mà rút kinh nghiệm, rèn luyện bản thân để cống hiến, làm việc tốt hơn chứ không phải để co lại, sợ sai. Mình làm việc công tâm, khách quan thì sao phải sợ?

Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, các cơ quan chức năng cũng cần tự tay “bốc thuốc” cho mình, nhanh chóng thay đổi, chỉnh sửa những bất cập trong không ít quy định thực thi công vụ. Một việc mà nhiều quy định quá, quy định này lại trái, chồng chéo với quy định kia cũng gây khó khăn cho cán bộ, công chức. Không làm thì trì trệ, làm thì không biết theo quy định nào là đúng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn