MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cán bộ địa chính ở Tuyên Quang bị bắt giữ khi có hành vi ép dân chung chi 10 triệu đồng làm hồ sơ chuyển nhượng đất. Ảnh: Đức Sơn

Bôi trơn, lót tay, chung chi… khổ nạn này bao giờ chấm dứt?!

Anh Đào LDO | 11/05/2022 13:36

40%, thậm chí 90% những người làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã phải “lót tay”, phải “chung chi”. Và thật kinh khủng: Càng ở tỉnh nghèo, càng phải chung chi.

“Ngay giữa Thủ đô, cán bộ của quận Hai Bà Trưng vô tư “ngâm” hồ sơ từ năm này qua năm khác. Vô cảm với những đòi hỏi chính đáng của dân”.

Ngoặc kép này hôm qua vừa xuất hiện trên fangape của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Gắn kèm, là câu chuyện của ông Nguyễn Quang Huy - một công dân Thủ đô - suốt 6 năm qua nhẫn nại với không biết bao nhiêu lần làm hồ sơ, viết đơn, bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của phường, quận nhưng vẫn không được điều chỉnh sai sót trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

6 năm, cho một việc không hề phức tạp. Và bản thân ông Huy chưa bao giờ nhận được lời giải thích cho sự việc này từ phía những người có trách nhiệm của quận Hai Bà Trưng. 

Hôm qua (10.5), Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố cho thấy, những tình trạng, những tỉ lệ hết sức đau lòng. Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay” dao động từ 40 - 90%. Đây không phải là cá biệt mà diễn ra ở hơn 40 tỉnh, thành. Mà càng tỉnh nghèo thì tình trạng này càng phổ biến.

Tại sao tham nhũng vặt, hay đưa nhận hối lộ, hay lót tay, chung chi vẫn phổ biến?

Trong báo cáo của UNDP dường như cũng đã có câu trả lời: Việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành. Tỉ lệ người được biết đến kế hoạch sử dụng đất chỉ từ 5-30%. Và cũng chỉ 23-67% người được hỏi cho hay, họ biết nơi có thể lấy thông tin về bảng giá đất.

Sự mập mờ, thiếu công khai minh bạch trong khi thủ tục thì quá nhiêu khê khiến người dân phải “đi nhiều cửa, gặp nhiều người” chính là “mảnh đất” cho tham nhũng vặt, cho tiêu cực lộng hành.

Hôm qua, đã có sự thống nhất rất cao trong Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như “việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

Người dân rất kỳ vọng, khi mà tham nhũng vặt, tiêu cực lộng hành, nhất là trong lĩnh vực đất đai đã tồn tại quá lâu, quá bức xúc rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn