MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BOT cầu Thái Hà xin hỗ trợ bằng nguồn vốn nhà nước khi doanh thu thu phí trung bình chỉ đạt 15,9% phương án tài chính. Ảnh: Dân Trí.

BOT kêu cứu, BOT cũng cần giải cứu?

Anh Đào LDO | 26/02/2020 09:54

Người dân, doanh nghiệp khản cổ kêu cứu vì BOT. Giờ đến lượt các BOT cũng kêu cứu.

Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải xin tháo gỡ khó khăn. Tháo gỡ, bằng việc “hỗ trợ bằng nguồn vốn nhà nước với phần doanh thu bị hụt so với phương án tài chính của hợp đồng và các khoản chi phí phát sinh”.

Tháo gỡ bằng cách xin các ngân hàng tài trợ vốn, điều chỉnh kế hoạch thu gốc, lãi doanh thu thu phí. Và cuối cùng, xin bổ sung trạm thu phí trên phạm vi dự án vì “các phương tiện đi qua cầu Hưng Hà đang sử dụng không trả phí dịch vụ... 1,6km đường của Dự án.

Nguyên do của văn bản kêu cứu, là bởi sau 1 năm tính từ ngày thông xe, lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng). Là vì “trong suốt hơn 2 năm rưỡi, nhà đầu tư gần như “ngồi chơi, ngắm xe chạy miễn phí” dù vẫn phải đều đặt thanh toán các khoản chi phí...”.

Là vì từ tháng 2.2019 đến nay, doanh thu thu phí trung bình tại Dự án BOT cầu Thái Hà chỉ đạt khoảng 76 triệu đồng/ngày đêm, tương đương 15,9% phương án tài chính tại hợp đồng BOT”.

Yếu tố lỗi, theo BOT Thái Hà, là trong quá trình lập dự án đầu tư, phương án tài chính, đơn vị tư vấn đã không đề cập, chiết giảm lưu lượng với các tuyến đường mới, không có dự báo phân tán lưu lượng sang công trình có cùng ý nghĩa kết nối được triển khai trên cùng địa bàn.

Báo Đầu tư, dẫn lời Chủ tịch BOT Thái Hà cho biết cùng thời điểm triển khai Dự án BOT cầu Thái Hà, có một dự án sử dụng vốn ODA vượt sông Hồng cũng được xây dựng và chỉ nằm cách nhau khoảng 20 km.

Cả hai cùng để kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Cả hai cùng xây dựng một thời điểm. Lại chỉ cách nhau 20km. Nhưng một bên thì thu phí BOT, một bên thì không.

Đúng là quá "đen" cho BOT! Cái “đen”, có nguyên nhân sâu xa từ tầm nhìn quy hoạch giao thông.

Và đúng, nếu không được giải cứu, BOT Thái Hà “chết chắc”.

Nhưng nhìn từ lời kêu cứu này, cũng lại đang cho thấy những vướng mắc đến vô lý trong “cơ chế BOT”.

Bởi trên “chiến trường thị trường”, những doanh nghiệp phi BOT sẽ phải lãnh nhận những rủi ro nếu các phân tích không đúng tình hình, không nắm được quy hoạch, không đạt doanh thu, không đảm bảo phương án tài chính. Chứ không thể lỗ thì đổ tại khách quan. Thậm chí đổ tại tư vấn.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Nhưng sẽ rất khó để đồng ý nếu Chính phủ, nếu Bộ GTVT chấp nhận giải cứu BOT bằng nguồn vốn nhà nước. Bởi như thế đồng nghĩa với việc người dân đang bị buộc phải giải cứu BOT bằng tiền thuế của mình - dù không hề đi một mét đường BOT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn