MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

BOT và những lời kêu cứu

ANH ĐÀO LDO | 06/04/2019 11:07
Một tỉnh nhỏ, với những doanh nghiệp nhỏ, trên một quãng đường chỉ 60km nhưng đang phải “chịu” tới 3 trạm thu phí. Trong khi quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm là... 70km.

Một lá đơn “kêu cứu” vừa được gửi đi từ Bình Phước với những chi tiết, con số đúng là khó tưởng tượng nổi.

Trên tuyến đường ĐT.741 từ thị xã Phước Long (Bình Phước) về TPHCM có tới 6 trạm thu phí. Cụ thể: Bù Nho - Đồng Xoài (48km), Đồng Xoài - Tân Lập (29km), Tân Lập - Bố Lá (30km), Bố Lá - Suối Giữa (58km), Suối Giữa - Lái Thiêu (17,2km)…

Thậm chí, trên địa bàn tỉnh nghèo ấy, chỉ một quãng đường 60km, tức chưa đủ “khoảng cách tối thiểu” giữa hai trạm thu phí (70km), mà có tới... 3 trạm thu. Có những doanh nghiệp vận tải mất mỗi năm hơn 1 tỉ đồng để trả phí khi đi qua các trạm.

Doanh nghiệp vận tải và người dân “gánh” quá nặng, quá nhiều trạm, mật độ quá dày đặc, và trong khi phí vẫn thu nhưng tuyến đường dày đặc trạm thu ấy thì “hư hỏng trầm trọng, đường có nhiều ổ voi, ổ gà nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông”.

Nhìn qua Bình Định, sau khi trạm phí hầm Cù Mông đi vào hoạt động, tỉnh nghèo này sẽ có trạm BOT thứ... 4, với chỉ gần 100km đường quốc lộ.

Cũng y như Bình Phước, dù đã có “điều chỉnh”, khoảng cách giữa 2 trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 là 64km, trong khi khoảng cách giữa trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 (TX.An Nhơn) và trạm BOT trên quốc lộ 19 (huyện Tây Sơn) lại chỉ có... 34km.

Vừa hôm qua, kết quả kiểm tra, giám sát công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Bến Thuỷ và Bến Thuỷ 2 thuộc dự án BOT tuyến tránh thành phố Vinh và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh cho thấy khoản chênh “32 triệu đồng mỗi ngày”.

Câu chuyện trạm phí quá dày đặc, và sự bất minh “cứ kiểm tra” là phát hiện cho thấy “hậu quả” của BOT và tình trạng bế tắc trong việc xử lý từ những hậu quả ấy.

Sau phiên họp của Chính phủ cuối năm ngoái, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Có nghĩa rằng vấn đề lợi ích phải là của cả ba bên chứ không thể chỉ của nhà đầu tư.

Nói một cách công bằng, doanh nghiệp BOT phải được thu cho những gì họ bỏ ra nhưng với mật độ và sự vô lý cần phải có cách xử lý thỏa đáng, chứ BOT dày đặc thế này thì doanh nghiệp vận tải và người dân chịu sao thấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn