MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm của gia đình nữ công nhân. Ảnh: VIỆT LÂM

Bữa cơm 13.000 đồng bất biến và “điều luật bất biết”

ĐÀO TUẤN LDO | 09/10/2019 07:00

Giữa bữa cơm của người công nhân và phương án tăng tuổi hưu đối với người lao động trực tiếp có một điểm chung: Đó là đang buộc người lao động phải chịu thứ mà phần đông họ không muốn.

Năm 2012, một bữa cơm công nhân trị giá 12.000-14.000 đồng. Bạc nhạc. Đầu thừa đuôi thẹo. Teo tóp, thiếu dinh dưỡng, nguy cơ ngộ độc cao. Đây là kết quả một cuộc điều tra của báo chí sau sự cố “giòi nhúc nhích trong đầu cá”.

Năm 2016, giá trị tuyệt đối của những bữa cơm có nơi vẫn chỉ 13.000 đồng. Và thực tế “chất lượng dĩ nhiên chỉ 7.000-8.000 đồng”. Thực phẩm “chủ yếu là hàng “dạt” từ các chợ”. Tất nhiên, có cả hoa hồng cho người đặt.

Tới năm 2019, dư luận một lần nữa “chạnh lòng” trước những bữa cơm rơi nước mắt “vài cọng rau muống, bát canh đại dương” sau sự cố “có sán” trong cơm.

Viện Dinh dưỡng quốc gia có lần công bố một khảo sát cho biết, khẩu phần ăn của công nhân phía Bắc chỉ đáp ứng 70-90% nhu cầu dinh dưỡng của người lao động. Cơ cấu bữa ăn có tới 72% là bột đường, nghèo chất đạm, thiếu chất béo trong khi dư thừa quá nhiều hóa chất.

Bữa cơm thiếu an toàn thực phẩm, sự teo tóp đạm bạc, hay giá trị tuyệt đối 13.000 đồng bất biến bao năm có thể gây ra sự xúc động và đồng cảm. Nhưng đối với công nhân, còn đau hơn cả những bữa ăn ấy là một điều luật trong Bộ luật Lao động đang được sửa đổi theo hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trực tiếp.

Một trong các nguyên nhân là nếu tiếp tục giữ nguyên như hiện nay thì “quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn”.

Một khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ trên 1 triệu lao động cho hay, hơn 50,7% người lao động không hề muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Thậm chí, họ còn muốn được nghỉ hưu sớm dù tiền lương khi ấy sẽ “không đáng là bao”, nhất là đối với bộ phận người làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại.

Thực tế rất cay đắng. Nhiều lao động trong một số ngành như dệt may, điện tử, chế biến hải sản... đến 40 tuổi mắt mờ chân chậm và các “ông chủ” sử dụng lao động chỉ muốn sa thải... Và nếu kéo dài tuổi hưu, họ sẽ phải chờ, chờ 15 năm, chờ 20 năm để được hưởng lương hưu.

Giữa bữa cơm của công nhân và phương án tăng tuổi hưu đối với người lao động trực tiếp có một điểm chung: Đó là đang buộc người lao động phải chịu thứ mà họ không muốn, đang cố ràng buộc họ vì những lợi ích chung chung nào đó mà vì lợi ích ấy, họ phải chịu thiệt, đang phải đánh đổi bằng sự kiệt quệ.

Một điều luật “bất biết”, “bất kể” tới mong muốn của đa số người lao động có phải là một điều luật vì người lao động không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn