MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc xử lý, làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh: Sơn Tùng.

Bức tử

ANH ĐÀO LDO | 15/07/2019 10:14

Cống hóa sông Tô Lịch hay “giải cứu” để biến nó thành một tuyến buýt đường thủy. Cũng chỉ là yếu tố “giải pháp” cho một dòng sông, nhưng nó đang thể hiện các giác độ lợi ích khác nhau. Khác nhau đến mức xung đột.

Kỳ họp HĐND 2 thành phố lớn nhất nước đều đang đứng trước những nan đề rất lớn - dù không hề mới: Tình trạng ùn tắc giao thông đến mức độ kinh hoàng.

Có một chi tiết mang tính định lượng “Đến 2025, giao thông TPHCM sẽ giảm ùn tắc” - Lời hứa của Giám đốc Sở GTVT thành phố.

2025 có nghĩa là ở thì tương lai, trong hơn nửa thập kỷ nữa. “Giảm” - cũng có thể chỉ là ít hơn so với hiện nay.

Và, với tốc độ đô thị hóa 80%, trong khi hệ thống vận tải hành khách công cộng hoặc đang quá thiếu hiệu quả với xe buýt, và chưa biết bao giờ mới xong, với hệ thống metro - thật không ai biết được điều gì sẽ xảy ra.

Tại HĐND TP, có một chất vấn rất đáng chú ý: Vì sao có tới 2 tuyến đường thủy lớn (sông Sài Gòn và sông Đồng Nai) chảy qua với đầy lợi thế mà TPHCM không tận dụng được? Khi số người sử dụng loại hình phương tiện công cộng (đường thủy) còn rất hạn chế?!

Còn ở Hà Nội, dư luận đã ngay lập tức phản đối khi một vị đại biểu HĐND đề xuất “cống hóa” sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu.

925km đường sông mà mới chỉ có 2 tuyến buýt ở giai đoạn thử nghiệm. 14km sông Tô Lịch, đi qua mấy quận huyện, cắt ngang hầu hết các trục dọc giao thông đang ùn tắc khủng khiếp - nhưng đang được nhìn dưới lợi ích “góp phần giảm thiểu xả thải, tăng thêm không gian công cộng và hạ tầng giao thông.

Khó có thể gọi khác là sự bỏ phí. Và hơn cả sự bỏ phí, nó cho thấy hệ thống sông ngòi chưa được nhìn đúng trong vai trò giải cứu giao thông của các TP lớn.

Xe máy chiếm không gian gấp 5 lần xe buýt, xe ôtô con thì chiếm gấp 8,5 lần - tính toán của chính GĐ Sở GTVT TPHCM. Còn Hà Nội, ngoài áp lực giải tỏa các điểm đen ùn tắc, các trục dọc thường niên quá tải, nan đề đang được đặt ra trong tương lai là sự kết nối giữa các tuyến đường sắt trên cao.

Cả HN và TPHCM đều không thể xén thêm vỉa hè, không thể làm nhanh đường sắt trên cao hay metro dưới đất vì sự đắt đỏ và thời gian tính bằng thập kỷ.

Vậy thì tại sao các con sông không được nhìn nhận như một chìa khóa tháo gỡ cho giao thông?

Một chuyên gia tính toán với diện tích 528ha, cứ bơm 10cm nước ở Hồ Tây vào sông Tô Lịch thì sẽ làm tăng thêm khoảng 1m mực nước - quá đủ cho một “đường cao tốc” 14km qua những tuyến giao thông đang quá tải trầm trọng.

Cái còn thiếu, có lẽ chỉ là sự quyết đoán. Quyết đoán giữa bức tử và hồi sinh, giữa các lợi ích!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn