MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4 nhà hàng Việt Nam đạt 1 sao Michelin. Ảnh: BTC

Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới và nhà hàng gắn sao Michelin

Hoàng Văn Minh LDO | 08/06/2023 11:48

Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 nhà hàng (một ở Hà Nội và 3 ở TP.Hồ Chí Minh) được gắn sao Michelin, được vinh danh vào cuốn Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới ra đời năm 1900.

9 năm trước, Anthony Bourdain – cố đầu bếp kiêm người dẫn chương trình thực tế nổi tiếng tại Mỹ đã đến Huế để ghi hình cho một chương trình ẩm thực.

Anthony Bourdain dùng bữa với người dân vạn đò trên sông Hương, ăn cơm hến ở vỉa hè và ăn bún bò Huế được bán bằng gánh trong chợ Đông Ba.

Và rồi ông nhận xét với CNTraveler rằng “bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới”.

Bún bò Huế là một món súp! Không chỉ Anthony Bourdain gọi như thế mà suốt bao năm nay, gần như những thực khách nước ngoài khi ăn bún bò Huế ở trong và ngoài Huế đều hiểu rằng đó là một món súp!

Một ví dụ nhỏ, để nói rằng, ẩm thực luôn gắn liền với địa danh và một nền, thậm chí tiểu vùng văn hoá cụ thể, cộng với đặc tính bảo thủ mặc định của những đầu bếp nên rất khó để gọi tên chính xác cũng như định lượng, so sánh ngon dở khi không có yếu tố tương đồng.

Bún bò Huế được mặc định thành món súp là một điểm mạnh tạo sự bí hiểm, cuốn hút cho ẩm thực Việt. Nhưng đây cũng là điểm yếu chết người của ẩm thực khi được gắn kết vào với những hệ thống để phát triển kiểu như công nghiệp du lịch.

Vậy nên, việc lần đầu tiên Việt Nam có 103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin, trong đó có 4 nhà hàng được nhận sao Michelin cũng như được vinh danh vào cuốn Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới ra đời năm 1900 là một sự ghi nhận thành tựu có tính lịch sử của ngành ẩm thực Việt Nam.

Lịch sử là bởi những tiêu chuẩn cơ bản của 1 sao Michelin vô cùng khó và khắt khe liên quan đến các yếu tố gồm: Chất lượng nguyên liệu, kỹ thuật nấu, cá tính của đầu bếp, sự hài lòng của thực khách và tính nhất quán của mùi vị.

Đây còn là một dấu mốc mang tính bước ngoặt cho ngành du lịch ẩm thực Việt được phát triển theo hướng “công nghiệp hoá”, có tính định lượng, khởi đầu từ hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Cũng như động lực để những địa phương khác, như Huế - nơi chiếm gần 70% trong số hơn 3.000 món ăn của cả nước, sớm biến tham vọng là “kinh đô ẩm thực” không chỉ của Việt Nam thành hiện thực.

Một bậc thầy đầu bếp quá cố khác - Joël Robuchon từng khẳng định với tạp chí Food & Wine rằng: “Với một sao Michelin, bạn phát triển được khoảng 20% công việc kinh doanh. Hai sao, thêm khoảng 40% và với ba sao, sẽ là khoảng 100%”.

Thông tin này chưa được kiểm chứng bằng thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Lao Động thì lượng khách đặt chỗ ở 4 nhà hàng vừa đạt chứng nhận 1 sao Michelin tại Hà Nội và TPHCM tăng mạnh chỉ sau vài giờ công bố.

Các nhà hàng, như Tầm Vị ở Hà Nội buộc phải từ chối nhiều khách hàng vì không thể phục vụ đủ nhu cầu trong 1 đến 2 ngày tới.

Sao hay sự công nhận của Michelin, đối với người thưởng thức ẩm thực cũng như nhiều nhà hàng buôn bán nhỏ ở bản địa, có thể chỉ là những “ảo ảnh” không hoặc chưa cần thiết.

Nhưng với nền du lịch ẩm thực đang còn non trẻ của chúng ta, đó không chỉ đơn thuần là những điạ chỉ ẩm thực cho khách du lịch thuận tiện ghé đến khi du lịch Việt Nam là một trong những đích đến!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn