MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bước đi chắc chắn từng chặng, xây dựng vững chắc từng nền móng

Lê Thanh Phong LDO | 30/04/2021 08:00
Việt Nam là một đất nước an ninh, an toàn và ổn định, đó là điều được thế giới ghi nhận. Nhưng Việt Nam là một đất nước thu nhập trung bình thấp, chưa giàu thì không thể mạnh được.

Nhưng chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai và có những điều để tin tưởng vào một ngày Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng như mục tiêu đã đặt ra. Đó là, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhiệm vụ được đặt ra từng giai đoạn, để đạt được mục tiêu của năm 2045, thì từng mục tiêu đầu phải thực hiện thành công, trước mắt là giai đoạn 2021 - 2025.

Cuối năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) công bố báo cáo Dự báo Kinh tế Châu Á Trung hạn, trong đó dự báo Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 với thu nhập bình quân đầu người khoảng 11.000 USD và sẽ vượt qua vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) về GDP vào năm 2035.

Việt Nam không đặt ra mục tiêu hơn ai, vượt qua ai, Việt Nam chỉ nỗ lực để vượt qua được giới hạn của mình, hơn được chính mình.

Các tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới phát hiện những tín hiệu lạc quan của Việt Nam qua đại dịch COVID-19. Việc thực hiện thành công mục tiêu kép trong năm 2020, vừa chống dịch thành công, vừa đảm bảo tăng trưởng đã gây ấn tượng cho các nhà quan sát. Đặc biệt, những chính sách phù hợp của Việt Nam trong phát triển kinh tế đã thuyết phục được các nhà đầu tư và tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước. Những thành tựu đó được tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ Việt Nam và chúng ta có niềm tin vào sự thay đổi rất lớn trong những năm tới.

Trong bài phát biểu nhậm chức chiều 5.4.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu một số nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ mới, trong đó có nội dung: "Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Chỉ thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra trên, đất nước đã "lột xác".

Một nền hành chính còn nhiều hiện tượng nhũng nhiễu, hạch sách người dân, được thay đổi bằng "phát huy quyền làm chủ của nhân dân" thì tự thân đã là một nền hành chính lành mạnh.

Có cơ chế, thể chế, giải pháp đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì chính quyền thực sự mạnh, đất nước không bị tiêu hao nguồn lực, người dân được thụ hưởng các giá trị lợi ích và dân chủ của một chính quyền vì dân mang lại.

Khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì sẽ có nhiều người hiến kế, "chiêu hiền đãi sĩ" thì sẽ có nhiều "Bình ngô sách", nhiều "Binh thư yếu lược" của hôm nay và nhiều kế sách dựng xây đất nước phồn vinh.

Khuyến khích đổi mới sáng tạo là chấp nhận cái mới, lắng nghe và tiếp thu cái mới, để đi đến lựa chọn và hành động. Loại bỏ tư duy cũ kỹ, vứt đi cái nhìn bảo thủ và não trạng đổi mới cầm chừng, thay vào đó là đổi mới quyết liệt, sáng tạo không ngừng để thay đổi đất nước.

Bước đi chắc chắn từng chặng, xây dựng vững chắc từng nền móng. Phát triển trong ổn định, ổn định để phát triển, khi đó mới có được sự thịnh vượng thực sự, đúng với nguyện vọng của nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn