MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân được theo dõi PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Bước tiến mới của y học Việt Nam trong điều trị ung thư bằng phóng xạ

Hoàng Văn Minh LDO | 10/12/2023 19:03

Một tin vui rất đáng chú ý, liên quan đến y học là lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã pha chế thành công hai loại thuốc phóng xạ mới trong chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết.

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh - Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: Bệnh viện đã điều chế ra được 2 loại thuốc phóng xạ Galium-68 PSMA và Galium-68 Dotatate để phục vụ cho chẩn đoán, theo dõi và điều trị ung thư tuyền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết bằng máy PET/CT.

Đây là một câu chuyện phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên môn. Tuy nhiên, bạn đọc có thể hiểu nôm na thế này: Ở Việt Nam hiện có 4 cơ sở y tế có máy PET/CT để phục vụ việc tầm soát, chẩn đoán, theo dõi… bệnh ung thư. Trong đó một ở Bệnh viện Chợ Rẫy, một ở Đà Nẵng và 2 ở Hà Nội.

Lâu nay các máy PET/CT này hoạt động bằng cơ chế “ngậm” phóng xạ 18-FDG, đây là thuốc phóng xạ glucose (đường) mà các tế bào ung thư rất thích “ăn”.

Tuy nhiên, có một số loại ung thư, ví dụ ung thư tuyền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết thì các tế bào ung thư lại không “mặn mà” lắm với loại phóng xạ này. Dẫn đến việc máy PET/CT đôi khi nhầm lẫn giữa tế bào tổn thương và tế bào ung thư. Điều này gây khó khăn cho việc điều trị.

Nên lâu nay với bệnh nhân ung thư tuyền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết, các bác sĩ thường chỉ định/khuyên nên ra nước ngoài – những cơ sở có 2 loại thuốc phóng xạ Galium-68 PSMA và Galium-68 Dotatate để chẩn đoán thêm.

Việc Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy pha chế thành công hai loại thuốc phóng xạ Galium-68 PSMA và Galium-68 Dotatate dù không phải là một phát minh y học mới, bởi trên thế giới đã có. Nhưng đây là một sự “pha chế thành công” có ý nghĩa và giá trị thực tiễn rất lớn, vừa tăng hiệu quả khám chữa bệnh, vừa giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho người bệnh.

Vì từ đây, những bệnh nhân bị chẩn đoán có dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến và u thần kinh nội tiết sẽ không phải tốn thời gian, chi phí ra nước ngoài kiểm tra nếu muốn biết kết quả chính xác hơn.

Đây còn là một bước tiến mới của y học Việt Nam trong điều trị ung thư bằng phóng xạ. Bởi 2 loại thuốc phóng xạ này dù đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate như Việt Nam vừa thành công.

Hy vọng bước tiến mới này của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ là động lực, nguồn cảm hứng để tới đây, y học Việt Nam sẽ có thêm được nhiều “lần đầu tiên” như thế này nữa không chỉ đối với lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn