MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cả phố ô nhiễm vì một quán bún chả

Anh Đào LDO | 25/02/2020 07:32

Nếu chỉ “luật hóa” việc cấm đốt rơm rạ, cấm than tổ ong...sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi, cũng là nỗi khắc khoải của dân “bao giờ các thành phố hết ô nhiễm”. Bởi vấn đề mà ai cũng thấy: Ô nhiễm không chỉ từ những viên than tổ ong.

Kiến nghị đưa các hành vi đốt rơm rạ, đốt than tổ ong vào danh sách các hành vi cấm trong Luật Bảo vệ môi trường vừa được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội nêu ra như một nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thành phố mịt mù khói mỗi khi ngoại thành “nổi lửa”; Đường cao tốc mất toàn bộ tầm nhìn vì một “đám cháy tự phát” đã thực sự trở thành vấn nạn. Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy: 7% nguyên nhân gây ra ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội xuất phát từ hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra hoạt động đốt không kiểm soát ngoài trời là nguồn phát sinh lượng lớn bụi mịn PM2.5 vào không khí.

Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi có một chi tiết “không lạ” được công bố: Phố Hàng Quạt thường xuyên ô nhiễm hơn các điểm đo khác do hoạt động của một... quán bún chả gần đó.

Nói “không lạ”, vì Hà Nội đang đối mặt với một nguồn ô nhiễm được ví như “sát thủ thầm lặng”: 55.000 bếp than tổ ong. Chỉ 3 nghìn đồng/viên than, nhưng với 528 tấn than tiêu thụ mỗi ngày, riêng Hà Nội đang phải chịu đựng 1.870 tấn khí CO2.

Nếu để người dân được “có ý kiến”, có lẽ, việc luật hóa các quy định cấm sử dụng than tổ ong, cấm đốt rơm rạ không có gì phải bàn cãi.

Bởi cái lợi, chẳng hạn vì rẻ, của số ít không thể so đo được với lợi ích của cộng đồng, nhất là khi cái hại gây ra là quá lớn là 1.870 tấn khí CO2 chỉ là một ví dụ.

Nhưng câu hỏi “bao giờ các thành phố hết ô nhiễm” lại không thể trả lời chỉ từ việc cấm đốt rơm rạ, cấm đốt than tổ ong.

Còn có các nguồn ô nhiễm hoặc chúng ta có thể nhìn thấy, hoặc đã thừa biết. Đó là 186 cơ sở sản xuất, nhà máy gây ô nhiễm ở Hà Nội. Đó là vô số các công trường như những nguồn phát tán bụi khổng lồ. Và đó là 2,5 triệu ôtô, xe máy sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2020 này đang thải ra môi trường đủ thứ ô nhiễm nguy hiểm.

Nếu cấm được thì phải làm ngay đi chứ đừng vì lý luận “chưa chết ngay được”, đừng vì những lý do sinh kế nữa.

Sinh kế hay lợi ích của một vài người không thể là lý do để chần trừ với những việc nói trắng ra là đầu độc những người khác, đầu độc chính mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn