MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải Ảnh: V.T

Các bạn học sinh nên nhận lời "thách đố" của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải

Lê Thanh Phong LDO | 16/05/2022 09:40

Cuộc thi khoa học kỹ thuật của học sinh đang được giới khoa học quan tâm, có dự án gây bất ngờ vì trình độ quá cao, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết như vậy.

Trong các dự án khoa học kỹ thuật của sinh viên, có nhiều dự án làm cho giới khoa học sửng sốt vì không thể tưởng tượng được học sinh trung học có thể thực hiện được. Ví dụ như dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” của 2 học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn.

Và dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá Khôi” của 2 học sinh trường THPT chuyên Thái Nguyên do TS. Nguyễn Phú Hùng - Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học (ĐH Thái Nguyên) hướng dẫn.

Giới khoa học hoài nghi cũng tốt thôi, bởi vì phải hoài nghi mới cùng nhau đi tìm cho ra chân lý. Những dự án khoa học đó được thực hiện khách quan, trung thực thì không sợ bất cứ sự hoài nghi nào, thậm chí sẵn sàng đối thoại với mọi phản biện từ phía cộng đồng.

Và một trong những phản biện được đặt ra là của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, ông nói:

“Để minh bạch mọi vấn đề, tôi đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên tổ chức thực nghiệm hai dự án khoa học kỹ thuật nói trên, với sự chứng kiến của báo chí và giới chuyên môn. Hai học sinh tiến hành lại một số thí nghiệm và trả lời câu hỏi của giới chuyên môn cũng như trình bày về khả năng ứng dụng của dự án, để khẳng định là chủ nhân thực sự của dự án".

Tiến sĩ Nguyên Văn Khải còn cam kết sẽ chịu toàn bộ chi phí của cuộc thực nghiệm, đồng thời thưởng thêm cho mỗi nhóm học sinh thực hiện đề tài 100 triệu đồng.

Nhóm học sinh thực hiện hai dự án trên nên nhận lời tiến hành thực nghiệm, đó mới thực sự bản lĩnh, và cũng chứng minh cho xã hội biết thực chất của học sinh làm khoa học.

Hãy xem đây là lời thách đố đầy thiện chí và hãy tự tin thể hiện bản lĩnh "thiệt vàng không sợ chi lửa".

Không chỉ tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nhiều nhà khoa học khác hãy cùng tham gia, đề xuất thực nghiệm các dự án khoa học kỹ thuật của học sinh, để có sự thẩm định công khai, minh bạch và thực chất khoa học.

Chính sự thực nghiệm công khai này sẽ cho ra đời những dự án trung thực, những học sinh có chân tài thực học. Đất nước không cần nhiều nhà khoa học, mà cần những sản phẩm khoa học có giá trị phục vụ con người và phát triển đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn