MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý để xảy ra sai phạm tại Trường CĐYT tỉnh. Ảnh: Hoàng Bin

Các trường Cao đẳng, ĐH "làng", nợ lương thì phải trả, nhưng quá yếu kém thì nên giải tán

Thanh Hải LDO | 24/01/2024 21:53

Trong phiên họp chiều ngày 23.1, HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất việc giải quyết lương, chế độ chính sách của người lao động tại Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT). Hơn 100 cán bộ viên chức, người lao động của trường này đã tạm thời yên tâm, đón Tết cổ truyền.

Từ tháng 7.2023, Trường CĐYT Quảng Nam nợ lương phụ cấp và BHXH của hơn 100 NLĐ, với hơn 7,6 tỉ đồng. Sau nhiều đợt khiếu nại, kiến nghị, thậm chí tổ chức ngừng việc tập thể, báo chí vào cuộc, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo... thì cuối năm 2023, trường mới trả nợ lương được 1 tháng, còn nợ 5 tháng lương và các chế độ khác.

Tất cả các sai phạm về tài chính, thiếu hụt kinh phí hoạt động - nếu có, thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của trường, chứ không phải lỗi các giảng viên, thầy cô, người lao động. Trả nợ lương và trả trước Tết không chỉ là trách nhiệm mà còn phù hợp với đạo lý.

HĐND tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất cho khoanh nợ đối với khoản kinh phí đào tạo không đạt chỉ tiêu của Trường CĐYT Quảng Nam từ năm 2020 trở về trước, tổng số tiền gần 15,6 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025. Ưu tiên trả nợ lương và chế độ cho người lao động.

Đây có thể xem là bước "nhân nhượng" của lãnh đạo Quảng Nam. Bởi thời điểm năm 2018, khi tuyển sinh gặp khó khăn, lẽ ra Trường CĐYT đã phải tổ chức lại mô hình hoạt động để tránh tình trạng thua lỗ, thiếu hụt như ngày hôm nay.

Trả nợ cho người lao động, nhưng Quảng Nam cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trường CĐYT vì đã để tình trạng hoạt động yếu kém và hậu quả xấu trong thời gian dài.

Thực trạng ngưng việc tập thể, giáo viên mất tiền, sinh viên ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian đào tạo, thì còn nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh đào tạo cao đẳng, đại học nước nhà. Vì vậy, nếu cần thiết, có thể chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ, xử lý để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Khó khăn kinh tế của các trường Đại học, Cao đẳng nghề đang trở thành hiện tượng phổ biến ở các địa phương. Mới đây, Đại học Quảng Bình cũng nợ lương người lao động kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Hiện vẫn bế tắc về giải pháp.

Lương giảng viên tại các Đại học "làng" ở các tỉnh, thành như Quảng Bình, các trường Cao đẳng nghề như CĐYT Quảng Nam vốn đã bèo bọt, nay thêm nợ lương, BHXH... thì làm sao nâng được chất lượng đào tạo, cạnh tranh được với các trường khác. "Đầu ra" sinh viên cũng sẽ không thể cao, tìm việc chắc chắn khó khăn. Và câu chuyện "con gà - quả trứng" sẽ tái diễn trong vòng lẩn quẩn này.

Vì vậy, nếu không tự giải quyết được những yếu kém trong quản lý, những sai phạm về kinh tế để đảm bảo hoạt động, nâng cao chất lượng, thì các trường Đại học "làng", Cao đẳng nghề nên giải tán.

Các trường Đại học đã từng "mọc" như nấm sau mưa, nên việc bị đào thải, chọn lọc là tất yếu, cần thiết. Đừng biến các sinh viên hiếu học, những giảng viên lành nghề thành những nạn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn