MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thế giới đánh giá giấy là ngành công nghiệp đứng đầu bảng về gây ô nhiễm. Ảnh minh họa: SCMP

Cái chân của con cáo

Anh Đào LDO | 12/07/2018 14:38
21.237m2 đất nông nghiệp bị bồi lấp. 4.604m2 “mất nước”... là những gì xảy ra tại Bình Sơn, Quảng Ngãi sau khi dự án nhà máy bột giấy được tiến hành.

Và có lẽ, những hệ lụy tại Bình Sơn sẽ còn tiếp diễn khi Trung Quốc đã “cấm biên” đối với 7,5 triệu tấn phế liệu nhựa, giấy và các dự án đang lăm le vào Việt Nam (VN).

Mới tinh, dự án Nhà máy bột giấy VNT19 bị các đại biểu HĐND Quảng Ngãi đưa ra chất vấn gay gắt. Bởi theo giấy phép đầu tư, dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến; máy móc hiện đại, đồng bộ (mới 100%)... Nhưng 3 năm sau đó, dự án chưa triển khai dự án do nguồn vốn quá lớn nếu nhập thiết bị mới 100%... Và thật kỳ lạ, VNT 19 được “điều chỉnh giấy phép”. Và sau đó, hàng loạt thiết bị hoặc đã lên lão hoặc rỉ sét được đưa về VN.

Tại phiên họp HĐND vừa hôm 11.7, thậm chí Bí thư huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư còn chất vấn gay gắt cả việc doanh nghiệp đặt ống xả ngầm dưới mặt biển ở vịnh Việt Thanh.

Trong cùng thời điểm, tại Hải Phòng, Tập đoàn Giấy Cửu Long chính thức đặt vấn đề về một siêu dự án nhà máy giấy và bột giấy đặt tại KCN Đình Vũ với khoản 800 triệu USD đầu tư.

Cửu Long là gì? Đó là tập đoàn chuyên sản xuất giấy đóng gói từ giấy phế liệu lớn nhất thế giới.

Báo Thanh Niên dẫn lời chuyên gia độc lập, TS Tô Văn Trường cho rằng: Thế giới đánh giá giấy là ngành công nghiệp đứng đầu bảng về gây ô nhiễm.

Và có thể, Cửu Long với siêu dự án 800 triệu USD chỉ là một chỉ dấu cho thấy sự chuyển hướng đầu tư các nhà máy giấy từ Trung Quốc sang Việt Nam khi Chính phủ Trung Quốc đã chính thức “cấm biên” với các loại phế liệu kể từ 1.1.2018 do những tổn hại quá lớn so với lợi ích kinh tế mà những dự án loại này gây ra.

Nhãn tiền là cảng Cái Mép đang đau đầu với hơn 24.700 container phế liệu đang ngập cảng sau lệnh cấm từ Trung Quốc.

Nếu vì 800 triệu USD mà địa phương gật đầu thì ngay từ bây giờ phải xác định đích danh người ký quyết định đầu tư như một hình thức công khai ràng buộc trách nhiệm nếu sau này để xảy ra ô nhiễm. Chứ không thể dùng cách giật tít từ phát ngôn của bà Chủ tịch Cửu Long, rằng “dự án không gây ô nhiễm môi trường”.

Có dự án gây ô nhiễm nào tự mình cảnh báo nguy cơ ô nhiễm đâu.

Chúng ta đã có quá nhiều, quá thừa những bài học từ việc nhập dây chuyền xi măng lò đứng ngốn than xả thải, bê nguyên những nhà máy nhiệt điện “lên lão” nhập từ nước ngoài... Và giờ đây, 7,5 triệu tấn nhựa, giấy tái chế mỗi năm bị cấm biên đang tìm một thị trường mới, một công xưởng mới, một bãi rác mới đang đặt ra những thử thách rất lớn với những người lãnh đạo địa phương. Và khẳng định “không đổi môi trường lấy tăng trưởng”, có lẽ là điều cần phải chép ra trong lúc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn