MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời COVID-19: Đến ăn, đến mưu sinh cũng khốn khổ. Ảnh: Hải Nguyễn/LĐO

Cái lý của dạ dày

Anh Đào LDO | 19/02/2021 10:09

Những bà bán xôi, chỉ với "10 đồng vốn" đứng vững suốt mùa dịch. Chẳng những tự tạo việc làm mà còn đóng góp phần nào vào GDP. Nhưng giờ đây, với lệnh "đóng cửa", họ đứng trước nguy cơ lên phường nộp phạt nếu vẫn "cố tình" bán chui lủi đâu đó.

Với Nguyễn Hữu Ân- Quán quân Vietnam Startup Wheel 2018, câu chuyện bà bán xôi được nhìn ở góc độ khởi nghiệp, rằng: Bí quyết xôi ngon và dòng tiền ngày nào cũng dương khiến những bà bán xôi “vẫn đứng vững suốt mùa dịch”, thậm chí “lúc nào cũng tươi cười”. (Nguồn VNN).

Một khảo sát của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết có đến 69 hoạt động mưu sinh bám mặt đường thống kê được. Một thành phố như TP HCM chẳng hạn, có đến hàng vạn người (có thể nhiều hơn nữa) cá nhân, hộ gia đình sống nhờ vào vỉa hè, mặt đường

Bà bán xôi, với dòng tiền luôn dương và những nụ cười- còn có nhiều, thậm chí là rất nhiều ý nghĩa tích cực khác. Bởi chính những bà bán xôi, bộ phận thuộc về kinh tế vỉa hè, bằng đồng vốn của mình đang tự mưu sinh, nuôi sống một gia đình, tự tạo ra 1+ việc làm, và trên lý thuyết, vẫn đóng thuế. Chưa kể những chi phí không tên phi chính thức khác.

Nhưng từ sau lệnh “đóng cửa” của Hà Nội, những bà bán xôi ấy đang ở vào tình trạng doanh thu bằng 0, nếu chấp hành, hoặc cuộc mưu sinh trở thành bán chui bán nhủi, có nguy cơ “lên phường" nộp phạt bất cứ lúc nào.

Nguy cơ lan truyền COVID-19 từ những bà bán xôi là như thế nào? Không có bất cứ khảo sát, đánh giá nào hết. Nguy cơ ấy nếu có, cũng không lớn hơn bất cứ các tiếp xúc xã hội nào khác.

Một lãnh đạo Tổng cục Thống kê từng bác “ý kiến nói kinh tế vỉa hè đóng góp 30-50% vào GDP”, nhưng qua đó, cũng xác nhận đóng góp vào GDP từ kinh tế vỉa hè có thể thống kê được lên tới từ 11-13% GDP.

Hầu như không nhận được sự hỗ trợ trong suốt 2 đợt dịch bệnh trong năm 2020. Vẫn đứng vững, vẫn mỉm cười. Vẫn giải quyết vấn đề mưu sinh. Vẫn tạo ra và thúc đẩy GDP với dòng tiền luôn dương, thậm chí tỉ suất lợi nhuận khủng 7.000% (như trà đá) và không vay mượn nợ nần.

Sáng nay, bà bán xôi đầu ngõ, cất giấu chõ xôi ở đâu đó, vẫn thò thụt để bán cho khách quen.

Cái lý của mưu sinh là đói thì đầu gối phải bò. Chứ giờ cả gia đình, mấy đứa nhỏ trông cả vào chõ xôi.

Quán quân Vietnam Starup Wheel 2018 Nguyễn Hữu Ân từ “triết lý bà bán xôi” chiêm nghiệm rằng: Một startup chỉ giỏi "đốt tiền" mà không giỏi "kiếm tiền" thì chẳng khác gì một "con nghiện", nhà cửa bao nhiêu rồi cũng bán sạch.

Nhưng những doanh nghiệp không xuất được hàng vì bị “tạm dừng tiếp nhận”. Những nông dân để rau thối ngoài đồng vì không bán được. Những bà bán xôi bị “đóng cửa hàng quán vỉa hè”... không tạo ra dòng tiền, không thu được một xu trong khi ăn uống chi phí vẫn không để “đừng” được thì cũng có khác gì “con nghiện” đâu.

Dĩ nhiên, chống dịch là việc của toàn dân nên dù là bán xôi hay cà phê hay quán ăn gì đó thì an toàn vẫn là số 1. Tuy nhiên, như trên đã nói nếu đặt "dịch vụ" bán xôi cạnh các dịch vụ ăn uống khác thì tỉ lệ tiếp xúc (giữa người mua xôi mang về và người bán xôi là rất nhỏ). Và nếu 2 người mua- bán này đeo khẩu trang thì mức độ an toàn hoàn toàn có thể an tâm.

Mới đây, cuộc họp giao ban của Thường trực Chính phủ về tình hình tết và phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý xử lý 5 cân đối lớn trong phát triển đất nước để phát triển bền vững, chứ không "nóng đâu phủi đấy". Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại việc thực hiện mục tiêu "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế" bằng ý "trong phòng dịch phải gắn với đời sống và giải phóng hàng hóa”.

Vì thế, một quyết định “đóng cửa”- dù nhân danh chống dịch cũng không thể không tính tới tác động xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn