MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Cái “mào taxi” và phép thử 4.0

ANH ĐÀO LDO | 18/05/2019 13:56
“Thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ, cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống”- Quan điểm chính thức của Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng gửi Thủ tướng.

Xin được tóm tắt 4 đề xuất vừa được Bộ trưởng Bộ TTTT gửi Chính phủ góp ý cho dự thảo thay thế Nghị định 86 quy định hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách bằng ôtô dưới 9 chỗ.

Một: Cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet... là một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.

Hai: Quản lý chủ thể này cần có những quy định riêng, thông qua môi trường số để minh bạch về giá cước và quãng đường.

Ba: Với những hoạt động sử dụng công nghệ, cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giám sát.

Và thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có “bảng đèn hiệu” hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe đang tham gia mô hình.

Và cuối cùng, thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ, cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống. Bởi yêu cầu “gắn biển điện tử” sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường trở lại thời điểm trước khi taxi công nghệ xuất hiện.

Có thể nói, đây là những đề xuất chính xác và hợp lý cho câu chuyện “cái mào taxi” và hơn cả thế, đó chính là tư duy quản lý, là việc “dám chấp nhận các mô hình mới, thách thức mới” khi công nghệ khiến thế giới thay đổi từng ngày.

Câu chuyện loay loay, cố gắn bằng được “cái mào taxi” cho xe công nghệ, thực chất nó thể hiện sự chậm tiến của tư duy quản lý so với thực tiễn phát triển. Nó kéo lùi thị trường trở về thời điểm “vẫy bằng tay”...

Cuộc cách mạng đang diễn ra trên thực tế đang cấp bách đòi hỏi sự thích ứng, theo kịp của tư duy quản lý.

Bởi bản chất “số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách, nhiều hơn là cách mạng về công nghệ”.

Và sẽ rất đáng tiếc nếu “chúng ta nói nhiều nhất về cách mạng 4.0” trong khi quản lý thì vẫn áp dụng tư duy không còn phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn