MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Thừa Thiên Huế vá lại lưới sau khi bị tàu giã cào tàn phá. Ảnh: Tường Minh

"Cấm biển" có thời hạn để tái tạo nguồn lợi, cần nhân rộng trên cả nước

Hoàng Văn Minh LDO | 13/11/2023 10:24

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi đề xuất "cấm biển" - cấm đánh bắt có thời hạn 5 khu vực biển để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi biển.

Cụ thể, có 5 khu vực được ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cấm khai thác thủy sản có thời hạn gồm: Bình Phú - Bình Châu; Tịnh Khê - Nghĩa An; Phổ Khánh - Phổ Thạnh - Phổ Châu; vùng biển phía nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ.

Đây là 5 khu vực có quy mô diện tích khoảng 35.468ha, chiếm 12,4% diện tích vùng biển ven bờ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi đề xuất thí điểm quy định cấm biển 1 tháng (từ ngày 1.5 đến 30.5 hằng năm) ở vùng biển ven bờ.

Cấm khai thác có thời hạn 3 tháng (từ ngày 1.3 đến 30.5 hằng năm) đối với các loại nghề có mức xâm hại cao như: nghề lưới kéo, pha xúc, chụp mực, mành, lưới vây...

Đề xuất này dựa trên thực tế rất báo động là Quảng Ngãi hiện có 4.292 tàu cá được đăng ký, đăng kiểm. Mỗi năm, đội tàu này khai thác đến hơn 91.000 tấn hải sản và công suất dự báo mỗi năm một tăng thêm.

Trong khi khả năng khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của tỉnh chỉ ước hơn 83.000 tấn.

Đây là một đề xuất hay, có tính khả thi dù có phần hơi muộn.

Bởi việc khai thác kiểu tận thu, tận diệt theo cách “trẻ không tha già không chừa” với đủ các loại phương tiện từ đèn pha, kích điện, giã cào… dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản là thực trạng phổ biến, báo động từ rất nhiều năm nay.

Và đây cũng là thực trạng, báo động chung của tất cả các địa phương trên cả nước chứ không riêng ở Quảng Ngãi.

Thời gian qua, các địa phương đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý rất nghiêm các hành vi khai thác thủy sản kiểu tận diệt của người dân.

Thậm chí luật cũng đã quy định có thể xử lý hình sự hành vi khai thác thủy sản tận diệt ngoài việc xử phạt hành chính.

Tuy nhiên hiệu quả lại không mấy khả quan bởi tất cả các biện pháp xử lý, ngăn chặn lâu nay cũng chỉ mới giải quyết vấn đề ở phần ngọn chứ chưa chạm được đến phần gốc của vấn đề.

Đề xuất cấm biển có thời hạn ở những vùng biển nhất định không chỉ hay, khả thi mà còn đáp ứng được tiêu chí kép khi vừa bảo vệ được nguồn lợi, vừa không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu bền vững của người dân đánh bắt hải sản.

Nó cũng phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định ngành thủy sản phải “giảm khai thác” và “tăng nuôi trồng”, kéo theo tất yếu là phải giảm các đội tàu khai thác.

Vậy nên đề xuất này không chỉ cần phải triển khai ở Quảng Ngãi mà nên nhân rộng ra ở tất cả các địa phương trên cả nước!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn