MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh một cán bộ dân số gần như kiệt sức khi tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cán bộ dân số không được tăng phụ cấp: Trách nhiệm thuộc Bộ Y tế

Hoàng Lâm LDO | 26/06/2023 19:15

11.000 cán bộ dân số bị “bỏ rơi” khỏi một chính sách mang tính hỗ trợ, phụ cấp ưu đãi nghề cho thấy vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu và thực thi chính sách.

Phải khẳng định ngay, Nghị định số 05/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập là một Nghị định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Song, khi Nghị định được triển khai đã gây nhiều băn khoăn cho các cán bộ dân số. Điển hình như ở Nghệ An, trước nhiều ý kiến từ cơ sở, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ về việc thực hiện Nghị định số 05. Trong đó có nội dung đề nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét để cán bộ dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe, các cán bộ ở bộ phận gián tiếp làm việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị y tế cơ sở được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định để đảm bảo công bằng giữa các lực lượng. Theo Sở Y tế Nghệ An, đây cũng là lực lượng ở tuyến đầu, thường xuyên, trực tiếp xông pha vào những thời điểm cam go, đã cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, không sợ hiểm nguy trong môi trường nguy cơ cao về lây nhiễm để thực hiện nhiệm vụ chống dịch thành công.

Thế nhưng, Bộ Y tế lại dùng chính nội dung trong Nghị định 05 để trả lời Sở Y tế Nghệ An cũng như nhiều Sở Y tế địa phương khác. Bằng cách trả lời như không trả lời (như nội dung Công văn 3102/BYT-TCCB ngày 23.5.2023), Bộ Y tế đã bỏ qua vấn đề quan trọng nhất và câu hỏi lớn nhất: Tại sao lực lượng cán bộ dân số, dù cũng tích cực trên tuyến đầu chống dịch lại bị phân biệt với các lực lượng khác và không được hưởng trợ cấp?

Thậm chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ thuộc Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Sơn - cũng là người ký văn bản 3102/BYT-TCCB - khi trả lời Báo Lao Động đã nói rằng: “Các cán bộ dân số thì chỉ được huy động để thực hiện chống dịch mà thôi”.

Đây được cho là một nhận xét phủi sạch những nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số trong thời gian chống dịch.

Vai trò tham mưu của Bộ, ngành rất lớn nếu như không nói là có tính chất quyết định trong giai đoạn đầu xây dựng chính sách. Bởi vậy quan điểm "cán bộ dân số chỉ là lực lượng huy động” rõ ràng đã không phản ánh đúng thực tế và không phản ánh đúng về tổ chức khi rất nhiều Trung tâm Dân số sáp nhập với Trung tâm Y tế và các cán bộ dân số được phân công nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có công tác chống dịch COVID-19.

Lẽ ra, khi thấy chính sách có những bất cập, chưa bao quát hết đối tượng thì Bộ Y tế phải lắng nghe cơ sở, chủ động đề xuất nhằm thay đổi để chính sách phát huy tốt hơn hiệu quả, đảm bảo tính công bằng chứ không phải là cách trả lời lạnh lùng, tới mức thờ ơ trước nỗi bức xúc của hơn 1 vạn cán bộ thuộc lĩnh vực mà mình quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn