MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Đông

Cán bộ sợ trách nhiệm đã tìm ra căn nguyên, vấn đề bây giờ là "thuốc" chữa

Hoàng Văn Minh LDO | 25/10/2023 14:10

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra nguyên nhân “bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ công chức không phải xuất phát từ thể chế.

Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ trong chương trình Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, ngày 24.10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, việc cán bộ công chức né tránh, sợ trách nhiệm như các đại biểu nói tới là một khuyết điểm. Rằng "anh là cán bộ, anh không thể né tránh, sợ trách nhiệm được".

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn làm sao các vị đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo địa phương khi mà làm việc nói là do Pháp luật vướng, Nghị định vướng thì cần chỉ rõ đó là vướng vào Nghị định nào, Thông tư nào thì mới cụ thể và rõ ràng được.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: Để giải đáp bài toán có một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không hết chức năng, nhiệm vụ được giao, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật (từ Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Thông tư), tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm.

Sau đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm tổ trưởng. Để bảo đảm tính độc lập, hỗ trợ cho tổ công tác của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập tổ công tác.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả rà soát tuy độc lập nhưng hai bên đều đi đến nhận định chung là hệ thống pháp luật cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Kết luận này cũng giải đáp câu chuyện bây giờ không làm được gì thì tất cả đều đổ lỗi cho thể chế hết là không đúng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

“Bệnh” cán bộ công chức đùn đẩy né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm là “bệnh khó”, là chủ đề nóng vắt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này và đến nay gần như đã có kết luận rõ ràng về nguyên nhân của “bệnh”.

Rằng nguyên nhân của “bệnh” đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là do chính con người chứ không phải do thể chế, cụ thể hơn là sự chồng chéo hay vướng mắc của văn bản, chính sách pháp luật.

Vấn đề bây giờ là người dân mong muốn làm sao có “thuốc” đặc trị để chữa “bệnh” dứt điểm cho con người trong thời gian sớm nhất. “Thuốc” không chỉ cho bệnh né tránh, sợ trách nhiệm mà còn cả với “bệnh” sợ sai cũng đang phổ biến.

Sợ sai, nói như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là “để mình làm kỹ hơn, sợ sai để nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi mình quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ”.

Nhưng sợ sai đến mức thu mình không làm gì cả hoặc né tránh, đùn đẩy qua lại trách nhiệm thì lại "chuyển làn" thành ra cán bộ “ăn hại”, không xứng đáng có mặt trong bộ máy ở bất kỳ cấp nào!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn