MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cán bộ tòa án bịa ra 57 hồ sơ vụ án, chuyện chỉ có ở Đắk Nông

Lê Thanh Phong LDO | 07/06/2021 11:34
Ba quan tòa ở Đắk Nông - một chánh án, một phó chánh án huyện và một thẩm phán - bị kỷ luật vì để cấp dưới lập 57 hồ sơ vụ án dân sự ảo. Chuyện thật như bịa.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm - Chánh án Toà án nhân dân (TAND) huyện Tuy Đức, nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu - Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song; ông Nguyễn Xuân Triệu - thẩm phán TAND huyện Tuy Đức, nguyên thẩm phán TAND huyện Đắk Song.

Cụ thể, năm 2016, cán bộ TAND huyện Đắk Song đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có trên thực tế. Các vụ án sau đó đều chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.

Mục đích của việc bịa ra 57 hồ sơ vụ án dân sự giả này để làm gì?

Không tham ô tham nhũng, không cầm tiền của ai, không có tư lợi vì là ảo. Có ý kiến phán đoán rằng, các vị dựng hồ sơ giả vì mục đích thành tích, hoàn thành chỉ tiêu.

Không thể có chuyện lấy số lượng vụ án làm thành tích vô lý như vậy. Thành tích của ngành Tòa án chính là đảm bảo không có án oan sai. Về hình sự thì xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Về dân sự thì không thể có chuyện "án dân sự xử sao cũng được".

Thành tích của ngành Tòa án là đào tạo và sử dụng những người chấp pháp tinh thông pháp luật và có phẩm chất đạo đức cao.

Vì vậy, đối với vụ việc này, dù không tham ô tham nhũng, không có ai tư lợi trong việc dựng hồ sơ vụ án ảo này, nhưng làm giả hồ sơ vụ án là không thể chấp nhận.

Theo Điều 67 Luật Tổ chức TAND thì một trong những tiêu chuẩn quan trọng của thẩm phán là: “Có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực”.

Bịa ra án ảo thì có phẩm chất đạo đức tốt không, có liêm khiết và trung thực không?

Khi mà tòa án với những cán bộ có thể bịa đặt ra 57 hồ sơ vụ án ảo, người dân khó có thể đặt niềm tin vào công lý. Bởi vì, người cầm cân nảy mực, phán xét và đưa ra các quyết định về pháp luật liên quan đến sức khỏe, tài sản, danh dự của công dân mà không trung thực thì đừng trách dân không tin.

Chưa kể, việc bịa đặt ra hồ sơ vụ án giả còn có thể bị xem xét về hành vi vi phạm khác.

Cho nên phải xử lý một cách nghiêm túc vụ làm hồ sơ vụ án giả này, không thể qua loa cho xong chuyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn