MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con trâu giống mới nhận của ông Đinh Văn Tính - Trưởng thôn Tân Thành. Ảnh: Xuân Hùng

Cán bộ xin trả lại trâu, bò giống “đi lạc” là hành động dũng cảm

Hoàng Văn Minh LDO | 01/03/2024 10:59

Sau nhiều sức ép của dư luận và người dân địa phương, cuối cùng, Bí thư chi bộ, trưởng thôn và phó thôn Thành Tân (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) cũng xin trả lại những con trâu, bò giống “đi lạc” vào nhà mình trước đó.

Tại hội nghị nhân dân toàn thôn, được tổ chức sau loạt bài viết “Trâu bò hộ nghèo “chui thẳng” vào nhà bí thư, trưởng thôn” trên Báo Lao Động, ông Đinh Xuân Tính - Bí thư chi bộ, trưởng thôn và ông Đinh Văn Tiên - Phó thôn đều nhận rõ sai sót của mình trong việc bình chọn, giao trâu, bò dự án cho các hộ dân.

Cả hai ông đều nhận thấy “quá trình bình xét các hộ đủ điều kiện tham gia dự án chưa đảm bảo công khai, chưa được bàn bạc trước toàn thể hội nghị nhân dân mà chỉ họp ban công tác mặt trận, cấp ủy chi bộ để bình xét. Vì vậy chưa đảm bảo theo quy định”.

Và sau khi nhận thức được sai sót của mình, ông Tiên, ông Tính đều viết đơn xin trả lại trâu, bò giống trước đó “đi lạc” vào nhà mình để tổ chức bình xét lại.

Tuy nhiên, điều rất thú vị là sau hội nghị nhân dân toàn thôn, người dân lại nhất trí để lại trâu, bò giống cho ông Tiên, ông Tính tiếp tục chăm sóc với lý do: Dân bức xúc không phải do ông Tiên, ông Tính không phải hộ nghèo mà do cách và “thái độ” của hai ông này khi bình xét trước đó.

Trước đó mấy hôm, ở tỉnh Quảng Nam, thanh tra huyện Hiệp Đức cũng có kết luận một vụ “đi lạc” tương tự nhưng là gà giống và điểm đến là người thân của Chủ tịch xã Bình Lâm, cũng sau loạt bài phản ánh trên Lao Động.

Và tinh thần, như lời của chủ tịch huyện Hiệp Đức là “sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý nghiêm, khách quan, công tâm”. Tuy nhiên lại chưa thấy thông tin về việc trả lại như ở Thanh Hóa?

Trâu, bò hay gà giống của các dự án hỗ trợ giảm nghèo cho người dân “đi lạc” vào nhà cán bộ hay người thân của cán bộ như tại Quảng Nam là một dạng tham nhũng vặt, khá phổ biến ở các vùng nông thôn khắp nơi trên cả nước trong thời gian qua.

Tham nhũng kiểu này, của cải quy ra đôi khi chả đáng bao nhiêu. Nhưng hậu quả của nó lại lớn bởi nó trực tiếp, sinh động với những hành vi, vụ việc cụ thể, dẫn đến việc làm mất hoặc xói mòn niềm tin vào các chính sách có tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Đôi khi những chính sách, như chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo chi đến hàng chục tỉ đồng phải đối diện với nguy cơ thất bại, mất trắng vì những mất mát, “đi lạc” địa chỉ của những con giống nếu quy ra tiền chỉ có vài trăm nghìn đồng.

Trâu bò, gà vịt… "đi lạc" vì lý do bình xét chưa công bằng như ở Thanh Hoá hay tham nhũng vặt kiểu như Quảng Nam dĩ nhiên là những việc làm, hành vi đáng lên án, thậm chí phải được cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm khắc sau khi vào cuộc.

Tuy nhiên, hành động nhận sai với dân, tự nguyện xin trả lại trâu và bò giống “đi lạc” của ông Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn và Phó thôn Tân Thành (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) cũng là những hành động dũng cảm.

Và việc người dân thôn Tân Thành không những tha thứ cho ông Tiên, ông Tính mà còn nhất trí để hai ông này tiếp tục nuôi trâu, bò là một bài học rất hay, rất đáng suy ngẫm về dân chủ cơ sở, không chỉ của riêng thôn Tân Thành hay toàn xứ Thanh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn