MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ di động đang phát huy hiệu quả tại các khu cách ly, phong toả quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh Phước Mỹ

Cần "cây ATM" lưu động cho các khu vực bị cách ly

Trung Hiếu LDO | 13/08/2021 11:02

Thực hiện Chỉ thị 16 cấp độ cao, vài ngày qua, chính quyền Đà Nẵng và các quận, huyện trên địa bàn đã mở các điểm chợ lưu động, để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm người dân. Tuy vậy, người dân cũng đang rất cần ngành ngân hàng sớm mở các "cây ATM" lưu động, để có tiền mặt mua bán hàng hoá thiết yếu.

Ở khu vực quận Sơn Trà, hiện nay được khoanh là "vùng đỏ" của TP Đà Nẵng, với số ca lây nhiễm vẫn tiếp tục xuất hiện, từ chuỗi lây nhiễm Cảng cá Thọ Quang. Hiện tại đây, hàng trăm hộ, với hơn 100 ngàn dân sống trong khu vực đang bị "cách ly cứng", không được tiếp xúc với bên ngoài.

Sau những ngày đầu tiên chưa quen với chuỗi cung ứng hàng hoá mới (Tổ trưởng dân phố nhận yêu cầu hàng hoá thiết yếu từ dân; chuyển về cho Hội phụ nữ địa phương đặt mua giúp nhu yếu phẩm), thì hiện nay hầu hết các khu vực "cách ly cứng", người dân Đà Nẵng đã tạm đủ hàng hoá thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống... đã tăng lượng dự trữ hàng hóa, nhiều hệ thống tăng trên 50% so với ngày thường. Các hình thức kinh doanh cũng được đổi mới theo hướng tăng cường bán trực tuyến, đi chợ hộ, bán hàng lưu động…

Hàng hoá tại các chợ, siêu thị di động trong các khu vực phong toả, cách ly ở Đà Nẵng dồi dào, đa dạng và người dân đang cần một "cây ATM" lưu động để đổi tiền mặt. Ảnh Phước Mỹ

Bưu điện Đà Nẵng đã tiên phong thiết lập 9 điểm bán lưu động và sắp triển khai thêm 4 điểm khác, phối hợp tổ COVID-19 cộng đồng và Ban quản lý các khu cách ly tập hợp nhu cầu của người dân, chuẩn bị nguồn hàng và cung cấp đến các khu vực cách ly kịp thời, đầy đủ cho người dân cũng như thực hiện các biện pháp an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Mạng lưới Bưu điện Đà Nẵng trải đều đến từng địa bàn phường, xã nên dễ dàng trong việc hỗ trợ giữa các điểm bán hàng; các điểm bán hàng bình ổn cố định tại các bưu cục và một số điểm lưu động theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu tại đây luôn được chuẩn bị dồi dào.

Tuy vậy, một khó khăn mới phát sinh là nguồn tiền mặt trong các hộ dân đang cạn, đặc biệt đối với khối cán bộ viên chức, nhân lương và các khoản phụ cấp qua tài khoản ngân hàng.

Nhiều người dân không thể rút tiền mặt qua cây ATM vì không được các chốt, trạm kiểm soát, đặt khắp nơi trong thành phố, đặc biệt trong các khu vực "cách ly cứng" càng khó khăn bội phần.

Có điểm tổ trưởng, hoặc trong nội bộ người dân phải mượn tiền mặt, ứng trước, mua lương thực thực phẩm cho người thiếu tiền mặt, hoặc nhận chuyển khoản, đối ứng tiền mặt...

Và hiện tượng này chắc rằng không đơn lẻ xảy ra ở Đà Nẵng! Biết rằng ngân hàng là hệ thống kín; việc kết nối xác minh tài khoản, gửi, rút... tiền cần có sự kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy vậy trong điều kiện Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 cao độ, thì ngân hàng cũng phải sớm chuyển đổi thích hợp, để đáp ứng với cuộc sống "bình thường mới", bằng việc thành lập những cây "ATM di động" như các siêu thị, chợ lưu động như hiện nay, tại các vùng cách ly, phong toả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn