MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hồ Quang Cua nhận giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023 cho Gạo Ông Cua ST25. Ảnh: Nhật Hồ

Cần chiến lược bảo vệ thương hiệu Việt sau sự kiện vinh danh "Gạo ngon nhất thế giới"

Thanh Hải LDO | 02/12/2023 20:00

Vượt qua 30 mẫu gạo của 10 quốc gia tham dự, gạo ST25 của Việt Nam lần thứ 2 đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2023.

Tại Hội nghị Thương mại Lúa gạo Toàn cầu vừa tổ chức ở Philippines cuối tháng 11.2023, gạo ST25 của Việt Nam thêm lần nữa được giải "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2023.

Năm 2019, gạo ST25 cũng đã giành giải cao nhất tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - World’s Best Rice” do The Rice Trader tổ chức.

Lần này, ngoài ST25 còn có sự tham dự của các loại gạo ST24, Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9, nếp A Sào và TBR39-1 - tất cả đều được vinh danh chung là gạo Việt, ngon nhất thế giới.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Nhiều giống lúa gạo được vinh danh "ngon nhất thế giới" càng nâng thêm vị thế, chất lượng, uy tín của nông sản thực phẩm nói chung, thương hiệu gạo Việt nói riêng.

Tuy vậy, cái tên TBR39 hay ST24, ST25... khi xướng lên thì không mấy ai biết, nhận diện ngay được đó là sản phẩm gạo Việt. Cường quốc xuất khẩu gạo, sản phẩm đi toàn cầu, cạnh tranh với nhiều quốc gia, thì tên giống lúa cần phải xem xét trên bình diện toàn cầu, để khi nhắc đến thì biết ngay tính chất, đặc điểm, xuất xứ của giống lúa gạo đó.

Một thương hiệu Việt dễ nhận biết, dễ nhớ, khó quên, ấn tượng đã là rất cần thiết với người tiêu dùng. Nhưng "tên tuổi" của một thương phẩm ra toàn cầu thì còn cần phải mang tính đa diện, nhiều mặt, từ thị trường, thương hiệu, bảo hộ giống, các quyền thương mại... Để tránh trường hợp bị giả nhái, bị đánh cắp, thậm chí bị đăng ký sở hữu bất hợp pháp ở nước ngoài như từng xảy ra đối với thương hiệu cà phê Buôn Mê, thuốc lá Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc…

Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, rừng nguyên sinh đa tầng, phong phú về giống loài thực vật, nên Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nhiều loại nông sản thực phẩm giá trị, có nguồn gene quý. Nhưng, cũng là nơi ít chú trọng đến đến việc nghiên cứu, cấy tạo, lập bản đồ gen, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền thương mại, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... đối với nông sản.

Thêm tâm lý sính ngoại, gọi tên cho dễ bán hàng nên thương lái, nông dân tự đánh mất thương hiệu, gọi một cách thiếu ý thức đối với các loại quả như "mít Thái", măng cụt, me, dưa Thái... Thậm chí các giống sầu riêng địa phương như DONA, Monthong, RI6... cũng bị gọi là "sầu Thái" khi xuất bán sang Trung Quốc.

Thậm chí cách gọi này cũng tràn lan trên cả báo chí, dẫn đến hiểu nhầm và tiềm ẩn nhiều nguy hại đến nông sản Việt khi xuất khẩu. Đến nỗi, tháng 8.2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải vội ra văn bản, đính chính, đề nghị thống nhất tên gọi chung là sầu riêng DONA, thương hiệu sầu riêng DONATECHNO Durian. Bởi đây là giống lai tạo từ Đồng Nai, không phải nhập từ Thái Lan.

Các thương hiệu nông sản Việt thường mang tính cá nhân, gắn với tên nhà nghiên cứu, lai tạo, hoặc mang tính cục bộ địa phương như kẹo dừa Bến Tre, gạo Nàng Thơm, ST25, nho Ba Mọi... sẽ kém tính thương mại. Nhất là khi thương phẩm xuất đi toàn cầu.

Ngay ST25 vừa được vinh danh thì đã bị nhiều doanh nghiệp ở Mỹ, Australia... liên tục nộp đơn bảo hộ. Vì vậy, vinh dự đạt danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới" còn gióng lên hồi chuông báo động, cần có ngay chiến lược bảo vệ thương hiệu gạo, nông sản cho doanh nghiệp Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn