MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Voi nhà được khai thác làm du lịch ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: B.T

Cần có quy định cụ thể về bảo vệ voi nhà trong khai thác du lịch

Lê Thanh Phong LDO | 11/02/2022 15:16
Báo Lao Động ngày 9.2.2022 đăng bài: "Đắk Lắk cần sớm dẹp bỏ nạn "cưỡng bức" voi nhà làm du lịch", phản ánh tình trạng khai thác đến mức hành hạ voi nhà đang xảy ra ở địa phương này.

"Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới..." - đây là một trong những miêu tả của du khách khi chứng kiến tận mắt những con voi bị hành hạ.

10 con voi nhà ở huyện Lắk đang làm việc quần quật như khổ sai để kiếm tiền cho chủ, còn địa phương thì làm gì để ngăn chặn?

Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh này thời gian qua "hô hào" người dân hạn chế dịch vụ cưỡi voi và thay bằng mô hình khác thân thiện hơn, nhưng những lời kêu gọi đó chẳng ăn thua, du khách vẫn thích cưỡi voi và chủ voi vẫn khai thác sức lao động của voi để kiếm tiền.

Có người yêu động vật, không muốn cưỡi voi, nhưng đa số du khách vẫn thích cưỡi voi, không ngăn cản được du khách.

Các chủ voi muốn kiếm tiền nhiều thì phải chiều lòng du khách và cho du khách cưỡi voi đem lại lợi ích trước mắt cho họ nên không thể khuyên họ bỏ dịch vụ này.

Nói chung, chỉ bằng lời khuyên, nói chuyện tình cảm không có hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn cưỡng bức voi.

Chuyện "cưỡi voi" đã tới tai Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) và tổ chức này lên án các hành động bạo lực đối với động vật, đặc biệt đối với voi ở Đắk Lắk đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua.

AAF sẽ tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk trên 2 triệu USD để thực hiện dự án 5 năm, chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi. Tổ chức này mong muốn tỉnh Đắk Lắk vận động các chủ voi chấm dứt việc bạo lực với voi và tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi.

Có tiền, liệu tỉnh Đắk Lắk có dẹp được nạn cưỡng bức voi làm du lịch hay không?

Ví dụ, những ai nhận được tiền tài trợ thì cam kết không khai thác dịch vụ cho du khách cưỡi voi và có chế tài xử phạt thật nghiêm.

Đối với những người không nhận tiền tài trợ, chính quyền có quy định cụ thể để bảo vệ voi nhà trong khai thác du lịch. Ví dụ, không cho voi làm việc trong thời kỳ động dục, không khai thác voi già để chở người. Tham khảo ý kiến chuyên gia để quy định tuổi "nghỉ hưu" của voi.

Đối với voi được khai thác du lịch, cần có quy định cho phép chở tối đa bao nhiêu khách và bao nhiêu giờ trong một ngày.

Tạo điều kiện cho dân làm ăn nhưng vẫn bảo vệ và bảo tồn được đàn voi, đó mới là quản lý tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn