MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an đưa 17 con hổ lớn do dân nuôi lén trong khu dân cư về khu vực cứu hộ. Ảnh: NP

Cần làm rõ trách nhiệm quản lý trong vụ dân nuôi trái phép 17 con hổ

QUANG ĐẠI LDO | 08/08/2021 21:23
Không thể có chuyện người dân Nghệ An nuôi trái phép 17 con hổ trong khu dân cư mà chính quyền địa phương vô can.

Vụ việc cơ quan chức năng phát hiện 17 con hổ lớn được người dân nuôi lén trong khu dân cư tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) đang gây xôn xao dư luận. Theo thông tin ban đầu, người dân mua hổ con, về xây tầng hầm, phòng kín đáo để nuôi hổ. Để mỗi con hổ lớn đến mức trên dưới 200kg, phải có thời gian nuôi đủ dài.

Điều dư luận băn khoăn là tại sao sự việc như thế mà diễn ra êm thấm trong thời gian dài giữa khu dân cư, trong khi chính quyền địa phương có đầy đủ nhân lực, tổ chức đến tận thôn xóm; có trách nhiệm nắm các thông tin liên quan đến cuộc sống người dân.

Chưa rõ có hay không hiện tượng tiêu cực, bảo kê, nhưng trách nhiệm liên quan của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước là không thể không có. Trong cuộc sống ngày nay, với mối quan hệ khá mật thiết giữa người dân trong khu dân cư, không thể có chuyện hàng xóm nuôi cả đàn hổ mà xung quanh không ai biết. Cần làm rõ có hay không sự việc người dân biết mà không báo cáo, hoặc không dám báo cáo chính quyền địa phương.

Xã Đô Thành vào năm 2012 đã xuất hiện tình trạng người dân nuôi nhốt hổ trong khu dân cư để nấu cao. Sự việc đã được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Do đó, cần xem xét nguyên nhân vì sao tái diễn tình trạng này, khẩn trương khắc phục, xử lý nghiêm và bịt chặt các kẽ hở.

Trong quá trình bắt giữ, vận chuyển, đã có 8/17 con hổ bị chết. Nguyên nhân của sự việc đang được điều tra, làm rõ, và chắc chắn trách nhiệm của những người liên quan cũng sẽ được xác định. Mặc dù đây là sự cố không mong muốn nhưng điều này cho thấy mục tiêu “giải cứu” đàn hổ đã không đạt được trọn vẹn, còn làm dấy lên các dư luận trái chiều.

Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sai sót, bảo vệ an toàn tối đa cho các động vật hoang dã được gây nuôi trái phép.

Tại huyện Yên Thành, vừa qua cũng xảy ra hiện tượng người dân tự gây nuôi ong vò vẽ, một loài vật rất nguy hiểm và đã xảy ra vụ việc ong đốt chết một trẻ em. Có rất nhiều hộ dân gây nuôi với số lượng lên đến hàng trăm tổ ong vò vẽ, nhưng phải đến khi xảy ra hậu quả thì chính quyền địa phương mới vào cuộc. Sự chậm trễ trong việc thực thi trách nhiệm quản lý đã gây ra hậu quả không thể khắc phục.

Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt ở cấp cơ sở, cần phải được xem là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn