MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần phải mất bao nhiêu thập kỷ để biết sáng kiến giao thông 2 tỷ có hữu dụng?

Anh Đào LDO | 10/09/2017 12:50

Hà Nội đang chứa những kỷ lục con đường đắt nhất hành tinh. Rồi thì 1km đường Lê Văn Lương có đến 40 toà nhà chọc trời. Liệu giải thưởng chống ùn tắc 2 tỷ vừa được trao sẽ chống được ùn tắc Thủ đô khi giải pháp số 1 của nó là phát triển hạ tầng giao thông theo phát triển đô thị?

7 nhóm giải pháp trong giải thưởng 2 tỷ chống ùn tắc giao thông Hà Nội nó đúng quá. Đúng như sách! Đúng như lý thuyết. Đúng đến mức có thể in thành sách giáo khoa chống ùn tắc cho mọi thành phố trên thế giới, trừ Hà Nội.

Tóm tắt thì nó thế này: Đô thị đến đâu có đường đến đó. Có thêm bãi đỗ. Phát triển giao thông công cộng (GTCC). Khiến người dân bỏ xe máy đi BRT, đường sắt. Phát triển đô thị định hướng ưu tiên GTCC...

Hà Nội chắc chắn không trao giải, những 2 tỷ, cho những sáng kiến mà không có... sáng kiến. Và những giải pháp tóm tắt được công bố, một cách tóm tắt, hẳn nhiên cũng không chỉ thuần tuý như tóm tắt. Có điều, để sáng kiến giải pháp "đúng như sách" ấy đưa ùn tắc về dĩ vãng có vẻ lại không dễ. Bởi chúng ta có thực tế Hà Nội.

Năm 20xx, khi toà nhà Keangnam động thổ, đã có cảnh báo nghiêm túc được đặt ra: Chỉ riêng toà nhà này thôi, sẽ biến những con đường vành đai thành đường nội bộ của nó, khi mà đấy, nó tự dưng chồng cục cả ngàn phương tiện trong khi không một cen ti mét đường được mở thêm. Trước và sau Keangnam, dù Chính phủ có chủ trương cấm xây nhà cao tầng trong nội thị, thực tế các đô thị mới, toà nhà chọc trời vẫn không ngừng mọc lên với quy mô dân số ngang "một phường"! Chồng thêm một phường vào giữa hạ tầng giao thông chỉ đủ cho một xóm, muốn khỏi tắc xin hãy chờ đến Tết.

Hậu quả cũng là thực trạng! Thưa các tác giả! Xin hãy nhớ rằng diện tích cho giao thông khu vực trung tâm Hà Nội chỉ 6%, thiếu những gấp đôi số % đó cho nhu cầu. Hãy nhớ chẳng hạn 1km đường Lê Văn Lương mà có ngót 40 toà nhà chọc trời để thấy cái gốc của ùn tắc là mật độ kinh hoàng trong cả phát triển đô thị cũng như dồn cục dân cư.

Xin hãy nhớ tới những con đường đắt nhất hành tinh đang bị phá kỷ lục liên tiếp ở thủ đô để thấy rằng chỉ thêm 1m2 hạ tầng giao thông thôi, là đắt đỏ lắm, khó khăn lắm chứ không giống như lý thuyết.

Huống chi phát triển hạ tầng giao thông theo phát triển đô thị nghe cứ sai sai. Sao không phải là quy định quy hoạch đô thị phải phụ thuộc vào quy hoạch hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông?

Điều đáng hoan nghênh trong việc trao giải thưởng này là Hà Nội rất quyết tâm chống ùn tắc và sẵn sàng lắng nghe mọi ý tưởng. Nhưng nghĩ cũng buồn và buồn cười, giải thưởng về chống ùn tắc cho Thủ đô lại thuộc về liên danh 3 đối tác thì có đến 2 "ông Nhật" với những ý tưởng cần phải chờ đợi với đơn vị tính thời gian là thập kỷ mới biết có hữu dụng hay không!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn