MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thùng rác sơn chỉ thị màu riêng để cư dân đảo Cù Lao Chàm phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Thanh Hải

“Cân rác thải thu tiền”- vừa khích lệ tự giác, vừa đánh vào túi tiền dân

Thanh Hải LDO | 23/05/2024 19:00

Hơn 10 năm trước, Hội An đi đầu cả nước về bảo vệ môi trường với mô hình phân loại rác tại nhà, nói không với túi ni lông. Nay, Hội An tiếp tục là địa phương đầu tiên cả nước “cân rác thải thu tiền” thông qua việc thí điểm mô hình thu phí rác thải theo khối lượng phát thải...

Hiện Hội An đang thực hiện thí điểm mô hình thu phí rác thải theo thể tích, cân nặng thông qua túi ni lông. Các hộ dân sẽ mua túi ni lông, phân loại rác vô cơ và hữu cơ ngay tại nhà thay vì đóng 30.000 đồng phí thu gom rác hàng tháng như trước.

Công ty môi trường sẽ bán các loại túi ni lông với thể tích 10, 15 và 20 lít. Theo mức giá được quy đổi - tương đương 1.900 đồng, 5.000 đồng và 7.500 đồng/túi.

Rác thải sinh hoạt được phân 3 nhóm: Chất thải thực phẩm - đựng túi màu trắng trong, chữ xanh. Chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng thì tự gom, xử lý tại nhà và chất thải rắn sinh hoạt khác được lưu chứa vào túi màu trắng trong, chữ đen.

Nếu áp dụng hình thức thu phí theo cân nặng, thể tích như đang thí điểm thì số tiền sẽ rất cao. Ai dùng nhiều sẽ phải bỏ tiền nhiều và ngược lại. Nhưng người dân Hội An đang ủng hộ, vì cho rằng đây là sự công bằng, đồng thời giúp nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường.

Chính quyền Hội An từng dày công, kiên trì giúp ngư dân đảo Cù Lao Chàm xây nhà vệ sinh để giải quyết thực trạng mỗi sáng chia nhau "50% cư dân lên rừng, 50% người xuống biển". Nhưng thật bất ngờ, xã đảo này lại là nơi đầu tiên thành công chương trình thí điểm "nói không với túi nilon" từ hơn 10 năm trước.

Thuyết phục dân tự ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn vốn khó, nhưng thu gom, xử lý rác thải sau phân loại càng khó hơn.

Hầu hết các đô thị cả nước đều sớm thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Như Đà Nẵng triển khai từ đầu những năm 2000. Giai đoạn 2021 - 2024 có 9 dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn đạt trên 90%, quản lý rác thải nhựa... tổng kinh phí hơn 70 tỉ đồng, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa xử lý hiệu quả. Hà Nội, TPHCM... cũng triển khai từ 25 năm trước, nhưng đều bất thành.

Phân rác tại nguồn nhưng thu gom và xử lý thiếu đồng bộ nên sau hơn 20 năm thực hiện, các địa phương vẫn lúng túng. Hiệu quả - nếu có thì cũng chỉ một phần nhờ lực lượng... đồng nát.

Để giảm cân rác thải - tức tiết kiệm tiền phí thu gom rác, người dân Hội An hiện phải tự thực hiện nghiêm túc việc phân loại. Không chỉ với chất thải rắn, có khả năng tái sử dụng, thì mới lựa, dồn, bán phế liệu để đỡ tốn phí, vừa có thêm tiền - mà rác thải hữu cơ từ thức ăn, rau, lá, cỏ cây... dân cũng sẽ phân loại để làm phân, chăn nuôi, chôn lấp để giảm phí.

Song, phải có cơ chế quản lý, giám sát để tránh trường hợp người dân mang rác ra sông hồ, nơi công cộng... đổ lén như đã từng.

Việc thu gom rác, tính tiền theo cân ở Hội An là một cách làm mới, sáng tạo. Bởi không chỉ khích lệ sự tự giác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của dân trong việc phân loại rác tại nguồn, mà còn đánh trực tiếp vào túi tiền của họ.

Hy vọng cách làm này sẽ giảm thiểu được lượng rác thải sinh hoạt và việc xử lý sau phân loại sẽ hiệu quả. Hội An thành công sẽ là bài học cho các đô thị cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn